A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Khát vọng “Đàn chim Việt”

Không chỉ dừng lại ở đêm nhạc tôn vinh một nhạc sĩ tài năng của dân tộc, Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao với các ca khúc mang dấu ấn lịch sử còn tái hiện phần nào không khí những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật TNHH MTV InvestPro, Giám đốc Dự án Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” về chương trình này và câu chuyện doanh nhân với việc phát triển văn hóa dân tộc.

Âm nhạc Văn Cao tái hiện không khí Tháng Tám lịch sử

Phóng viên (PV): Thưa bà, hẳn là Ban tổ chức có chủ ý khi Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao diễn ra vào dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và  Quốc khánh 2-9, cũng là lần đầu bài hát “Tiến quân ca” được cất lên trước đông đảo đồng bào ngày 17-8-1945?

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh: Thực ra ban đầu chúng tôi dự kiến làm chương trình vào tháng 11, đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, như thế cũng sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Nhưng khi làm việc, trao đổi với các cơ quan chức năng, chúng tôi quyết định tổ chức chương trình vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn này vì chúng tôi hiểu rằng, Văn Cao không chỉ thuộc về riêng gia đình ông mà đã thuộc về dân tộc và trở thành một phần gắn bó với lịch sử đất nước.

“Tiến quân ca” lần đầu tiên được cất lên trước đông đảo quần chúng vào ngày 17-8-1945 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và đã trở thành một hồi ức thiêng liêng của muôn triệu người dân Việt Nam. Vì lẽ đó, Nhà hát Lớn Hà Nội với Quảng trường Cách mạng Tháng Tám được lựa chọn làm địa điểm tổ chức chương trình này với mong muốn tái hiện phần nào không khí hào hùng trong thời khắc lịch sử đó của dân tộc.

Ban tổ chức chương trình đã đặt ra yêu cầu với Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam là phải tạo ra diện mạo mới cho chương trình nghệ thuật, kết hợp hài hòa cả yếu tố sân khấu truyền thống với các thủ pháp nghệ thuật hiện đại để các khán giả lớn tuổi vẫn thấy được hồi ức của mình trong đó và lớp trẻ vẫn cảm nhận tinh thần của thời đại mới. Một số ca khúc tái hiện nhiều khoảnh khắc của lịch sử, như “Tiến về Hà Nội” với những đoàn quân Bộ đội Cụ Hồ tiến về giải phóng Thủ đô trong sự hân hoan chào đón của đông đảo đồng bào. Và như Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chỉ đạo nghệ thuật chương trình đã nói, “Đàn chim Việt” là chương trình có quy mô lớn mà ê kíp chương trình muốn thực hiện với tinh thần vượt khỏi tầm của đêm nhạc tôn vinh một nhạc sĩ thông thường.

PV: Là một doanh nhân, luật sư khá bận rộn với công tác chuyên môn, điều gì khiến bà tham gia Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” với vai trò Giám đốc dự án?

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh: Hồi nhỏ, gia đình tôi sống cùng khu phố với nhạc sĩ Văn Cao. Khắc sâu vào tâm trí tôi ngày ấy là hình ảnh bác Văn Cao với bộ râu dài, dáng người gầy gò, chống gậy đi trên những con phố cũ nơi chúng tôi ở, bên cạnh luôn có người vợ tận tụy đồng hành. Đó là một kỷ niệm đẹp đến nao lòng. Ba tôi khi đó là Trưởng ban đại biểu khu phố Hàng Cỏ, cũng là người yêu văn học-nghệ thuật, nói với tôi rằng, đó là nhạc sĩ Văn Cao-người sáng tác Quốc ca Việt Nam. Do lúc ấy còn nhỏ nên tôi chưa biết ông là một tác giả có di sản âm nhạc lớn và quý báu đóng góp vào nền âm nhạc của nước nhà, nhưng hình ảnh tác giả Quốc ca cứ in mãi trong trí nhớ của tôi. Lớn lên, được nghe những ca khúc ông sáng tác, tôi mới thấu hiểu hơn về âm nhạc của ông và càng yêu âm nhạc ấy, cũng cảm phục con người cùng nhân cách nhạc sĩ tài hoa mà vô cùng khiêm nhường này.

Ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: THU HÒA

Cũng như bao người Việt Nam khác, mỗi khi Quốc ca được cất lên, trái tim tôi cứ ngân rung một cảm giác rất lạ kỳ, dường như tình yêu Tổ quốc cứ dâng trào, thôi thúc tôi sống tử tế và làm những điều cao đẹp cho cộng đồng. Chương trình “Đàn chim Việt” là một trong những điều tốt đẹp mà tôi muốn làm để tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao nhân 100 năm Ngày sinh của ông.

PV: Từ ý tưởng muốn làm điều gì đó cho đến Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” bây giờ diễn ra thế nào, thưa bà?

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh: Đây không phải là chương trình đầu tiên liên quan đến các hoạt động văn hóa-nghệ thuật mà tôi tham gia, nhưng có thể nói “Đàn chim Việt” là chương trình lớn nhất mà tôi từng làm.

Từ lúc lên ý tưởng cùng một số bạn bè cách đây gần hai năm, nhưng công việc thực sự chỉ bắt đầu từ đầu năm 2023. Thách thức nhiều, khó khăn cũng không ít nhưng với sự đồng lòng của bao đối tác và bạn bè, “Đàn chim Việt” đã lên hình hài và chắc chắn sẽ “cất cánh” mạnh mẽ vào đêm 20-8 tới. Với “Đàn chim Việt”, khán giả sẽ gặp một diện mạo âm nhạc Văn Cao tương đối đầy đủ qua những ca khúc điển hình trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của ông. Tuy thế, để có sự hiểu biết sâu sắc về tính bác học trong âm nhạc của một người sáng tác dẫu không được học hành bài bản như ông, một hiện tượng kỳ tài Văn Cao là không bao giờ đủ.

Nhóm thực hiện chương trình đã có sự phối hợp hết sức nhiệt tình và chặt chẽ để có thể tạo nên một chương trình nghệ thuật hấp dẫn nhất có thể. Mong rằng “Đàn chim Việt” sẽ được đông đảo khán giả đón nhận.

Trách nhiệm của một doanh nhân

PV: Là một doanh nhân không chỉ quan tâm tới hoạt động thiện nguyện mà còn nhiệt tình với hoạt động văn hóa, chẳng hạn như việc là thành viên sáng lập Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời. Với bà, đó là sở thích cá nhân hay bởi ý nghĩa gì khác?

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh: Khi tôi ngồi với anh em nghệ sĩ, họ thường nói đùa, một người ngoại đạo chỉ biết vài nốt nhạc như tôi lại dám “cả gan” làm một việc mà nhiều người trong nghề chưa chắc làm được. Đó là không chỉ đưa ý tưởng mà tôi còn tham gia vào cả quá trình thành lập Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời-dàn nhạc giao hưởng tư nhân đầu tiên của nước ta. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ rằng trong sự nghiệp của tôi, ngoài hoạt động nghề nghiệp thì việc thành lập Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời và làm Chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt” là hai điểm nhấn lớn trong đời mình.

Ngoài hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh, tôi đặc biệt muốn làm những điều nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng xã hội, từ văn hóa đọc đến các lĩnh vực văn hóa khác với khát vọng được góp một phần công sức nhỏ bé vào việc nâng cao dân trí.

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh.  

PV: Đầu tư cho văn hóa luôn cần được sự quan tâm, chung sức của cả xã hội. Bà nghĩ sao về trách nhiệm của doanh nhân với sự phát triển văn hóa dân tộc?

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: "Văn hóa còn thì dân tộc còn". Văn hóa dân tộc nếu bị xóa nhòa thì chúng ta chỉ là sự tồn tại vô hồn. Văn hóa cũng không có ranh giới, giới hạn cho bất kỳ ai muốn tham gia bảo tồn, phát triển, trân trọng nó. Bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có quyền, trách nhiệm với việc chấn hưng văn hóa dân tộc và doanh nhân lại càng có điều kiện làm điều đó với khả năng kinh tế của mình. Chúng ta đã thấy nhiều tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, phát triển, củng cố văn hóa doanh nhân, đó là một việc vô cùng đúng đắn và cần thiết. Thực tế, ngoài ngân sách nhà nước dành cho văn hóa thì doanh nhân cũng có những đóng góp không nhỏ. Vì thế, những người quản lý văn hóa ngoài việc phải có tư tưởng, chiến lược, kế hoạch hành động rõ ràng cho việc bảo tồn, phát triển văn hóa đất nước, cũng nên có biện pháp khơi dậy nhiệt huyết của người dân, đặc biệt là các doanh nhân tham gia vào hoạt động ý nghĩa này.

PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Chương trình diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 20-8-2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, với sự tham gia trình diễn của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên; được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, phát trực tiếp trên website và các nền tảng mạng xã hội của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923, là nhạc sĩ tài năng, có đóng góp to lớn cho âm nhạc Việt Nam; được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I (năm 1996).
 


Tags: Văn Cao
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết