A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đưa nhạc Jazz Việt Nam hội nhập quốc tế

Khẳng định giá trị nghệ thuật của nhạc Jazz trong dòng chảy phát triển chung của âm nhạc Việt Nam, 32 năm qua, bộ môn nhạc Jazz được Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từng bước đào tạo, đóng góp nhiều tên tuổi giảng viên, nghệ sĩ nổi tiếng trong làng âm nhạc nước nhà như: Lưu Quang Minh, Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc, Hoàng Tùng, Nguyễn Tiến Mạnh...

Để nhạc Jazz có hướng đi khoa học, chuyên nghiệp, cách đây 10 năm (năm 2013), Khoa nhạc Jazz đã được thành lập. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, nhân kỷ niệm 10 năm Khoa Nhạc Jazz, sẽ có nhiều hoạt động với ý nghĩa gắn kết nhạc Jazz với khán giả.

Phóng viên (PV): Ông có những đánh giá như thế nào về nhạc Jazz trong dòng chảy phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện nay?

 PGS, TS Lê Anh Tuấn: Nhạc Jazz hình thành hơn 100 năm qua và đã lan ra khắp thế giới, hiện diện tại mọi nền văn hóa âm nhạc quốc gia và khu vực, nảy sinh ra nhiều phong cách riêng biệt. Tại Việt Nam hiện nay, Jazz đã và đang có những bước phát triển đáng kể. Jazz Việt hiện có nhiều thế hệ đam mê, theo đuổi và mong muốn có nhiều sân chơi để thể hiện. Đặc biệt phải kể đến tài năng, sáng tạo của các thế hệ giảng viên, nghệ sĩ từng bước đưa Jazz Việt có bản sắc riêng. Điển hình là phong cách chơi điêu luyện, tài tình của PGS, TS Lưu Quang Minh; nghệ sĩ Quyền Văn Minh; nghệ sĩ Jazz saxophone Trần Mạnh Tuấn trong những bản nhạc Jazz mang âm hưởng dân ca Việt Nam... Đây cũng chính là những gương mặt giảng viên, nghệ sĩ đang truyền cảm hứng và hội tụ các thế hệ tài năng đam mê Jazz Việt trên khắp mọi miền đất nước.

 PGS, TS Lê Anh Tuấn. Ảnh: HÒA NGUYỄN

PV: Khoa Nhạc Jazz có thể nói là khoa trẻ tuổi nhất của học viện hiện nay, vậy trong công tác tuyển sinh, đào tạo có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

 PGS, TS Lê Anh Tuấn: Hiện nay khoa đang đào tạo hệ trung cấp 7 năm, đại học 4 năm và cao học 2 năm với các chuyên ngành: Piano, guitar, trống, saxophone, bass; với đội ngũ giảng viên kinh nghiệm, chuyên nghiệp được đào tạo chính quy trong nước và ở Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Australia... Tuy trẻ tuổi nhất nhưng khoa lại là nơi uy tín giới thiệu những tài năng âm nhạc có chuyên môn cao phục vụ đời sống âm nhạc của Việt Nam nhiều năm qua. 100% sinh viên có việc làm trước khi ra trường. Nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ đã khẳng định tên tuổi trong làng nhạc Việt với nhiều vai trò, từ nghệ sĩ biểu diễn, hòa âm phối khí, sản xuất âm nhạc; điển hình như nghệ sĩ Nguyễn Hữu Vượng đảm nhiệm giám đốc sản xuất âm nhạc các liveshow lớn của ca sĩ Hồng Nhung, Tùng Dương, Hà Anh Tuấn...

Trong thực tế, khoa cũng có những khó khăn, dù được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của loại hình âm nhạc này. Để nâng cao trình độ đào tạo, biểu diễn, các giảng viên, nghệ sĩ phải vận dụng các mối quan hệ bên ngoài; số lượng thí sinh ứng tuyển hằng năm cao nhưng chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của chương trình đào tạo.

PV: Học viện đã khẳng định “thương hiệu” trong nhiều cuộc thi âm nhạc mang tầm quốc tế như piano, violin,... Vậy có chiến lược nào để tạo nên nhiều sân chơi nhằm kết nối, phát triển nhạc Jazz, thưa ông?

 PGS, TS Lê Anh Tuấn: Một số giảng viên, nghệ sĩ Jazz của chúng tôi vẫn hay kể câu chuyện, trước thấy người nước ngoài đến ta chơi Jazz thì lo lắm, không dám đứng chung sân khấu. Nhưng nay thì không. Nghệ sĩ Jazz của Việt Nam đã tự tin và đứng chơi đồng đẳng với nghệ sĩ quốc tế. Như thế để thấy Việt Nam đã tiệm cận với nhạc Jazz quốc tế về chất lượng đào tạo, trình độ biểu diễn.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh truyền cảm hứng chơi nhạc Jazz cho thế hệ trẻ. Ảnh: HÒA NGUYỄN

Học viện cũng đang từng bước triển khai nhiều kế hoạch, như đưa giảng viên tới các nhà trường đào tạo về âm nhạc tại các tỉnh, thành phố để đào tạo chuyên ngành Jazz; tổ chức trại hè nhạc giao hưởng trẻ, trong đó có nhạc Jazz; dài hơi hơn, chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức Festival nhạc Jazz quốc tế tại Việt Nam... Mục đích hướng đến là đưa nhạc Jazz phát triển mạnh mẽ, sôi động hơn trong cộng đồng chơi nhạc, kết nối nghệ sĩ với khán giả, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của khán giả với loại hình âm nhạc độc đáo này.

PV: Sự kiện văn hóa “Nhạc Jazz & Friends V” (lần thứ 5) được học viện tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa nhạc Jazz có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

 PGS, TS Lê Anh Tuấn: Học viện xác định sự kiện “Nhạc Jazz & Friends V” diễn ra tối 7-10 tới đây tại Hà Nội là hoạt động tri ân các thế hệ giảng viên, nghệ sĩ trong nước và quốc tế nhiều năm qua đã góp sức đào tạo, xây dựng bộ môn nhạc Jazz, sáng tạo bản sắc và dấu ấn riêng cho Jazz Việt. Đặc biệt, trong chương trình là sự hiện diện của những nghệ sĩ hàng đầu thế giới về nhạc Jazz đã cống hiến cho sự hình thành và phát triển của nhạc Jazz tại Việt Nam như GS Hankan Rydin (Thụy Điển); TS Steve Barry (Australia). Các nghệ sĩ, giảng viên của Việt Nam như Quyền Thiện Đắc, Lương Xuân Thịnh, Hoàng Xuân Tùng, Nguyễn Tiến Mạnh sẽ cùng các nghệ sĩ quốc tế chơi những tác phẩm Jazz Việt như: “Inh lả ơi” (chuyển soạn dân ca Việt Nam), “Feels Like Home”... và các tác phẩm quốc tế như “Nostalgia”, “Moonlight in Vermont”, “Breezin”. Đây là chương trình nghệ thuật thể hiện diện mạo nhạc Jazz Việt Nam, đồng thời cho thấy sự giao thoa mạnh mẽ trong âm nhạc Jazz giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Tags: nhạc Jazz
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết