Đặt trái tim vào những bộ phim tài liệu
Chiến tranh và hậu chiến là một phần trăn trở trong đời sống và sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Hồng Chương. Những bộ phim của ông như: “Còn lại với thời gian”, “Ký ức Trường Sơn”... đưa đến mong muốn tìm kiếm những câu hỏi khác, những câu trả lời khác, đáp ứng suy tư của người trí thức về chiến tranh, về sự khác biệt giữa các nền văn hóa, về những giá trị nhân văn kết nối con người với nhau.
Sau gần 20 năm công chiếu lần đầu tiên tới khán giả (năm 2005), bộ phim tài liệu “Còn lại với thời gian” của NSND Lê Hồng Chương vừa có đợt công chiếu trong Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam và 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dịp cuối tháng 4 vừa qua. Rạp chiếu của Điện ảnh Quân đội nhân dân tại 17 Lý Nam Đế (Hà Nội) đông kín khán giả, khi màn ảnh rộng phát lên hình ảnh mẹ Lại Thị Lê (mẹ có hai người con liệt sĩ là Lương Trương Hoành và Lương Nam Tiến) mòn mỏi ngồi nơi sân ga đón đợi những người con khi chiến tranh đã đi qua gần ba chục năm trời... hòa trong tiếng bánh tàu, còi tàu, âm thanh đàn bầu của nhạc phim là những tiếng nấc nghẹn, lau nước mắt của người xem.
Hình ảnh giới thiệu phim tài liệu “Còn lại với thời gian” của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hồng Chương. |
Ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu về những người lính đã hy sinh ở chiến trường qua những trang thư và nhật ký để lại đã được đạo diễn Lê Hồng Chương đau đáu ấp ủ trong suốt 10 năm. Ông đã lặng lẽ đi thực tế, đến các gia đình tìm nhân vật, đến bảo tàng để sưu tầm tư liệu, hiện vật... Đến khi ông bắt gặp câu chuyện kỳ lạ liên quan đến những bức ảnh và số phận nhà báo, nhà quay phim Điện ảnh Giải phóng Khu V Nguyễn Văn Giá cùng cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm được người cựu binh Mỹ trao trả lại cho gia đình các liệt sĩ, thì những hình ảnh về bộ phim tài liệu “Còn lại với thời gian” mới được hình thành.
“Đến gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, chị Hiên, vợ của anh Giá cho tôi xem những bức thư anh gửi cho gia đình, nhật ký chị Hiên và đồng đội Nguyễn Văn Giá còn lưu giữ cùng những bài viết về anh, thấy hiện rõ vẻ đẹp tâm hồn, phẩm cách của một con người giàu tình yêu thương, đức hy sinh, sống trọn nghĩa vẹn tình với bạn bè, đồng chí, gia đình và Tổ quốc”, NSND Lê Hồng Chương kể.
“Chúng ta sẽ đoàn tụ... phải chịu đựng những ác liệt gian khổ để đi đến chiến thắng. Ngày chiến thắng không xa nữa đâu em ạ, ngày đó anh sẽ gặp em và con... Còn hiện tại anh đang phải nỗ lực cố gắng làm sao cho có được những thước phim có giá trị, xứng đáng để góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chiến thắng ngày mai”, những dòng thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá viết gửi về cho vợ gửi gắm những ước mong, quyết tâm thật cao đẹp và giản dị cùng những dòng nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và nhiều liệt sĩ khác gửi về cho mẹ, cho vợ, người yêu... kết nối với nhau làm thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ phim “Còn lại với thời gian”.
“Còn lại với thời gian” thuộc dòng phim tài liệu hậu chiến. Ở đó góc nhìn của nhân vật, góc nhìn của đạo diễn thấm thía bao chiêm nghiệm thời gian. Nhịp phim lắng nỗi buồn da diết, xót xa với thân phận của người ra đi và người ở lại. Nhưng cao hơn hiện thực khắc khoải ấy là những giá trị về tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa được khắc sâu, được giữ gìn như lẽ sống, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở những thước phim, mỗi hình ảnh, như lời của đạo diễn, ông đặt trọn vẹn trái tim của mình để qua những tác phẩm điện ảnh, những câu chuyện bình dị, con người bình dị nhưng đức hy sinh cao cả sẽ luôn “Còn lại với thời gian”.
Đạo diễn Lê Hồng Chương tốt nghiệp chuyên ngành quay phim Đại học Điện ảnh toàn Liên bang Xô viết (VGIK), ông từng trải qua nhiều vị trí công tác như: Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh. Ông nhận nhiều giải thưởng danh giá như: Giải phim tài liệu xuất sắc nhất Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 51 năm 2006, giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005 (phim “Còn lại với thời gian”); Giải đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam 2009 (phim “Ký ức Trường Sơn”)...
Đây cũng là những tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương được tôn vinh trong Lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022, vừa tổ chức ngày 19-5 vừa qua. Hiện nay, NSND Lê Hồng Chương là Phó chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam. Bận bịu với việc làm phim, đi dạy, làm quản lý, song mỗi khi gặp bạn bè đồng nghiệp, họ vẫn nhận thấy ở NSND Lê Hồng Chương một nguồn năng lượng tích cực, tươi mới. Những bộ phim tài liệu của ông đang là nguồn tư liệu quý, bài học mẫu cho sinh viên ngành điện ảnh tham chiếu, học tập.