Trượt lớp 10 chưa phải là kết thúc
Trượt lớp 10 chưa phải là kết thúc. Vẫn còn rất nhiều những lựa chọn cho các con. Nhiều người nói về trường tư thục, dân lập nhưng lại băn khoăn về học phí. Nếu như ở các trường công, học phí chỉ khoảng hơn 200 nghìn đồng/tháng thì trường tư thục, dân lập sẽ đắt hơn gấp 10 lần hoặc nhiều hơn tùy mô hình của trường.
Vậy là chiều tối ngày 9/7, đã có điểm chuẩn của 116 trường công của Hà Nội. Dù điểm chuẩn thế nào thì theo lý thuyết vẫn chỉ có không quá 64,7% số thí sinh trúng tuyển vào 10. Vì chỉ tiêu tuyển sinh đã cố định thế rồi. Không du di được. Các gia đình chỉ có 3 ngày để nộp hồ sơ nhập học. Quá hạn trên trường sẽ không nhận nữa. Đến 19/7 mới có đợt tuyển bổ sung, lúc đó hạ điểm hay không tùy trường và tùy mức hạ.
Thế nên mọi thứ cũng xem như là đã ngã ngũ. Số học sinh trượt không thể ít hơn 35,3% vì sẽ rất nhiều con chỉ thiếu 0,5 điểm ở nguyện vọng 1 trong khi nguyện vọng 2 sẽ phải cộng thêm 1 điểm so với điểm chuẩn công bố, nguyện vọng 3 sẽ phải cộng thêm 1 điểm nữa. Sẽ có nhiều đứa trẻ trượt tức tưởi như thế!
Trượt lớp 10 chưa phải là kết thúc. Vẫn còn rất nhiều những lựa chọn cho các con. Nhiều người nói về trường tư thục, dân lập nhưng lại băn khoăn về học phí. Nếu như ở các trường công, học phí chỉ khoảng hơn 200 nghìn đồng/tháng thì trường tư thục, dân lập sẽ đắt hơn gấp 10 lần hoặc nhiều hơn tùy mô hình của trường.
Dù vậy, như hôm qua nhiều phụ huynh comment dưới bài viết của tôi nói rằng tổng chi phí cho con học trường tư tưởng đắt nhưng lại rẻ hoặc bằng trường công vì học trường tư không phải học thêm, chưa kể các khoản như xây dựng trường, quỹ phụ huynh này nọ. Tôi chưa kiểm chứng nhưng tôi thấy đó cũng là một lựa chọn, tất nhiên, nếu cha mẹ thu xếp được.
Cho con đi học trường nghề cũng là một lựa chọn. Giờ đây, nhiều trường nghề cũng đã có liên thông với hệ cao đẳng hoặc đại học. Lũ trẻ đi học trường nghề cũng tốt, học nhanh - ra trường có việc làm, có tay nghề, chuyên môn. Tất nhiên, nếu cha mẹ không quá sĩ diện mà xấu hổ khi con theo học trường nghề. Rồi chúng ta phải cùng tập làm quen với việc lũ trẻ cần được hướng nghiệp ngay từ khi 15-16 tuổi.
Học trường nghề sẽ giúp lũ trẻ tiếp xúc và thực hành tốt hơn là lũ trẻ học trường công hay cả trường tư. Những chương trình hướng nghiệp trong trường công hay trường tư chỉ giống cưỡi ngựa xem hoa. Còn học trường nghề là các con trực tiếp với nghề luôn.
Xu hướng của tương lai đó là phân luồng và định hướng nghề nghiệp từ sớm. Không như thế hệ chúng ta trước kia nhiều khi tốt nghiệp đại học xong vẫn chưa biết mình có thực sự yêu thích công việc, nghề nghiệp mà mình đã theo học không? Nhiều người chọn trường đại học dễ trúng chỉ để có bằng đại học.
Lũ trẻ genZ bây giờ không thể như chúng ta xưa kia được. Nhiều trường tư thục đã chuyển sang mô hình lựa chọn môn học thay vì học tất cả các môn. Chọn nghề rồi mới chọn môn để học, giúp giảm bớt những bộ môn không cần thiết, tăng cường và tập trung vào mục tiêu tương lai. Thế nên lựa chọn học nghề từ 15 tuổi có gì là sai, là xấu hổ? Bởi đó là xu hướng không thể thay đổi rồi.
Các cha mẹ hãy thay đổi lại tư duy của mình. Trường công sẽ rất tốt nhưng trường công không phải lựa chọn duy nhất, bắt buộc đến mức trượt trường công là kết thúc cuộc đời học sinh. Vẫn là cần lắm sự thay đổi quan niệm của các cha mẹ.