A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tết vui với thầy giáo, cô giáo vùng khó

Tết Ất Tỵ năm nay đến sớm hơn với hơn 40.000 giáo viên trong toàn ngành giáo dục Nghệ An, bởi đây là năm đầu tiên họ chính thức được thưởng Tết. Nhiều món quà ân tình khác đã được gửi đến các giáo viên, nhân viên vùng khó khăn, đặc thù ở tỉnh.
 

* "Thưởng" Tết sớm

Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 1 tuần, thầy giáo Lầu Bá Dờ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Lống, huyện Kỳ Sơn đón niềm vui bất ngờ khi được nhận tiền thưởng hơn 5 triệu đồng khen thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ (Quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Thầy đã thâm niên hơn 20 năm “bám trường, bám bản”. Hoàn cảnh gia đình còn vất vả nhưng thầy Dờ vẫn xác định đã gắn bó với học sinh vùng cao thì sẽ không ngừng nỗ lực, trau dồi chuyên môn để làm tốt nhiệm vụ. Tiền thưởng từ Nghị định 73/2024/NĐ-CP, với thầy Dờ cũng được xem là tiền "thưởng Tết" vì về đúng dịp cuối năm và đây là lần đầu các thầy có tiền Tết theo đúng nghĩa.

Theo thầy giáo Lô Khăm Phu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Lống, đến thời điểm này, tất cả giáo viên của trường đều đã nhận được tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, áp dụng cho cán bộ, công chức và người lao động với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng. Nguồn ngân sách được UBND huyện Kỳ Sơn cấp thêm.

Quỹ tiền thưởng hằng năm được quy định nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Do đặc thù trường học là đơn vị sự nghiệp không có thu nên việc thưởng Tết là điều khó khăn với các nhà trường. Vì vậy, việc nhận tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP với nhiều giáo viên là tiền "thưởng" Tết sớm. Thầy Lô Khăm Phu cho biết: Trường có 2 mức khen thưởng là hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với mức khen thưởng từ hơn 4 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng. Ngoài ra, quỹ cũng trích lại 20% để khen thưởng cho các thành tích đột xuất. Lần đầu tiên được nhận khen thưởng từ nguồn quỹ này, giáo viên rất phấn khởi và đều xem đây là tiền thưởng Tết. Ngoài số tiền này, trường cũng đã tiết kiệm được một ít ngân sách và hỗ trợ thêm cho mỗi giáo viên khoảng 500.000 đồng/người.

Đến thời điểm này, huyện Diễn Châu đã có quyết định giải quyết số tiền hơn 25 tỷ đồng để cấp bổ sung cho các đơn vị trong khối giáo dục và đào tạo bổ sung vào nguồn kinh phí Quỹ tiền thưởng năm 2024, thực hiện theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP. Các nhà trường cũng đã rà soát lại danh sách để đánh giá, xếp loại cuối năm và thực hiện việc chi khen thưởng theo quy định. Nhiều trường cũng đã chuyển tiền thưởng đến từng giáo viên để họ có thêm chi phí chuẩn bị Tết.

Thực tế lâu nay, các trường học không có thưởng Tết mà chỉ có một nguồn hỗ trợ nhỏ trích từ tiền công đoàn và tiết kiệm. Tuy nhiên, Nghị định 73/2024/NĐ-CP có hiệu lực, quy định rõ chế độ tiền thưởng của cán bộ, viên chức, nhà giáo thực hiện trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng người hưởng lương trong cơ quan, đơn vị. Hiện các nhà trường đã hoàn thành việc đánh giá, xếp loại giáo viên và chuẩn bị chuyển tiền khen thưởng đến cho tất cả mọi người. Ngoài ra, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, nhiều trường cũng dự kiến hỗ trợ thêm cho mỗi giáo viên từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/người và xem đó là quà Tết.

*Sẻ chia với vùng khó

Đã thành thông lệ, những ngày cuối năm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đoàn công tác lại trực tiếp đến với 6 huyện miền núi cao Nghệ An để thăm, chúc Tết và tặng quà cho giáo viên và học sinh tại các điểm trường vùng khó. Vượt quãng đường hơn 10km để đến với điểm trao quà, cô giáo Nguyễn Thị Hoan - Trường Tiểu học Yên Khê (huyện Con Cuông) xúc động chia sẻ: "Đây là năm đầu tiên tôi được nhận quà Tết từ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo. Với tôi, ngoài giá trị về vật chất, món quà còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn, là nguồn động viên để tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Tại 6 huyện miền núi cao, hiện đang có hàng trăm giáo viên có hoàn cảnh éo le, khó khăn, nhiều người đang phải đối diện với nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, vượt lên hoàn cảnh các giáo viên vẫn đang nỗ lực, cố gắng để làm tốt nhiệm vụ trồng người cho học sinh vùng khó. Nhiều người vẫn đang phải xa chồng, xa con bám trường, bám bản, điều kiện sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn.

Ngoài thăm, tặng quà cho 240 giáo viên khó khăn ở huyện miền núi cao, đón Tết Ất Tỵ năm 2025, ngành giáo dục cũng đã tổ chức chương trình “Tết sum vầy” và trao quà cho 96 giáo viên, nhân viên làm công tác đặc thù trong các nhà trường như kế toán, văn thư, thư viện, thiết bị thí nghiệm của các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Những năm qua, dù thu nhập chưa cao, còn nhiều vất vả, thiệt thòi nhưng các nhân viên trường học vẫn âm thầm góp sức vào công tác dạy và học, hoạt động ở các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tham gia chương trình này, các giáo viên, nhân viên cũng đã được trải nghiệm đón Tết sớm với nhiều chương trình ý nghĩa; tâm sự, chia sẻ với đồng nghiệp, bày tỏ nguyện vọng đến lãnh đạo ngành.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho biết: Ngành giáo dục tri ân và biết ơn đội ngũ giáo viên, nhân viên ở các nhà trường, nhất là với những trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Vì thế, hằng năm, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, ngành giáo dục vẫn nỗ lực để mang quà Tết đến với các thầy giáo, cô giáo. Dù giá trị vật chất không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của ngành đến với các thầy giáo, cô giáo với giáo dục vùng khó, mong muốn các thầy cô tiếp tục kiên trì, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện tốt sứ mệnh gieo chữ, trồng người./.

Bích Huệ


Tác giả: Nguyễn Thị Bích Huệ
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết