A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện ngành Giáo dục

“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững”. Thống nhất quan điểm trên, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội luôn đề cao vai trò, vị trí của giáo dục. Điều này cũng được cụ thể hóa tại Luật Thủ đô 2024 khi xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập để Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Tạo cơ chế vững chắc cho ngành giáo dục

Cuối tháng 6/2024, Luật Thủ đô 2024 chính thức được Quốc hội thông qua. Đây là sự kiện có nghĩa rất quan trọng, tạo cơ chế vững chắc để Hà Nội tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện, trong đó có việc phát triển giáo dục và đào tạo.

Luật Thủ đô 2024 có 7 chương, 54 Điều, trong đó dành trọn vẹn Điều 22 để đưa ra những kế sách phát triển giáo dục, đào tạo, đồng thời khẳng định: “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”.

Tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện ngành Giáo dục

Trường THCS An Dương Vương (xã Việt Hùng, Đông Anh) được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2024 là một trong những công trình giáo dục chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Luật Thủ đô cũng nhấn mạnh yêu cầu đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời, Luật yêu cầu bảo đảm quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.

Để rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục công lập và tư thục, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.

Tại Điều 22 cũng nêu rõ nhiệm vụ của HĐND và UBND trong thực hiện chính sách giáo dục; trong đó HĐND thành phố quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn thành phố.

Còn đối với UBND thành phố quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện ngành Giáo dục

Trường Mầm non Kim Chung (thôn Nhuế, xã Kim Chung, Đông Anh) được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2024, có diện tích 8.000m2, quy mô 16 phòng học với đầy đủ các phòng chức năng

Việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao; điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Cùng với đó, UBND thành phố là đơn vị quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Với nội dung ngắn gọn, Điều 22 - Luật Thủ đô 2024 chỉ ra vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu của giáo dục Hà Nội, đó là xây dựng hệ thống trường công lập và bố trí quỹ đất xây dựng trường. Thực tế cho thấy, không phải khi có Luật Thủ đô, vấn đề trên mới được quan tâm mà đây là nội dung, nhiệm vụ xuyên suốt được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặt ra thời gian qua và đã cho hiệu quả rõ rệt.

Thúc đẩy thi hành Luật Thủ đô

Năm học 2024 - 2025, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước với gần 2,3 triệu học sinh, hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, 2.913 trường học. Để giải quyết vấn đề thiếu trường lớp trong bối cảnh tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, năm học này, Hà Nội đưa vào sử dụng nhiều trường học mới ở tất cả cấp học.

Đặc biệt, trong số những trường học mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm học 2024 - 2025, có nhiều trường là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện ngành Giáo dục

Cùng với việc tăng tốc, xây trường, ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục, kéo gần khoảng cách giữa giáo dục nội thành và ngoại thành

Mới đây, 4 ngôi trường tại huyện Đông Anh đã được thành phố công nhận, gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, gồm: Trường THCS An Dương Vương, Trường Mầm non Kim Chung, Trường Mầm non Xuân Canh, Trường THCS Xuân Canh.

Được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2024, Trường Mầm non Kim Chung (thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) có diện tích 8.000m2, quy mô 16 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, nhà bếp. Các lớp học và các phòng chức năng được thiết kế hiện đại, đầy đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng mát, an toàn cho trẻ trong các hoạt động, học tập, vui chơi, ăn, ngủ. Các phòng có đầy đủ các trang thiết bị như điều hòa nhiệt độ, màn hình tương tác, máy tính, các đồ dùng, đồ chơi, giáo cụ và các thiết bị thông minh phục vụ tốt hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày.

Trường THCS An Dương Vương (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) cũng được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2024. Năm học 2024 - 2025, nhà trường đón 193 học sinh khối 6 trong tổng số 469 học sinh toàn trường. Theo thầy Ngô Văn Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, trường đặt mục tiêu xây dựng ngôi trường hạnh phúc, chắp cánh ước mơ cho học sinh.

Với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo huyện Đông Anh, thầy và trò nhà trường quyết tâm dạy tốt - học tốt, xây dựng nền móng vững chắc cho một ngôi trường chất lượng cao. Qua đó, khẳng định vị thế của trường THCS An Dương Vương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Đông Anh nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Tại huyện Thanh Trì, năm 2004, khi mới tách quận Hoàng Mai, Thanh Trì chưa có một ngôi trường nào đạt chuẩn quốc gia thì đến năm 2024, toàn huyện đã có 68/73 trường đạt chuẩn (đạt 93,2%), trong đó có 34 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, là một trong các địa phương dẫn đầu thành phố về số lượng trường đạt chuẩn.

Tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện ngành Giáo dục

Hà Nội đang nỗ lực xây dựng đủ trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của người dân; để học sinh có thêm nhiều ngôi trường hạnh phúc và mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui

Ngày 13/1/2022, UBND huyện Thanh Trì phê duyệt dự án đầu tư xây mới trường THCS Vạn Phúc theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường THCS trên địa bàn. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) và Giải phóng huyện Thanh Trì (6/10), 70 năm thành lập ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội.

Trước đó, Trường Tiểu học Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) cũng được gắn biển kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô...

Song song với việc tăng tốc, xây trường, ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục, kéo gần khoảng cách giữa giáo dục nội thành và ngoại thành thông qua Chương trình “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy, cô cùng sẻ chia trách nhiệm” với sự hưởng ứng tích cực của 100% trường học trên địa bàn thành phố.

Luôn xác định tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, với hướng đi đúng đắn cùng tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị thành phố, Nhân dân Thủ đô tin tưởng trong thời gian không xa, Hà Nội sẽ đủ trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của người dân; để học sinh có thêm nhiều ngôi trường hạnh phúc và mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết