Tại sao có người vẫn giả vờ đi làm sau khi nghỉ việc?
“Sợ gia đình lo lắng”, “Bố mẹ không đồng ý”, “Không muốn làm bố mẹ thất vọng”… là những lý do mà nhiều người vẫn giả vờ đi làm sau khi nghỉ việc. Nhìn bề ngoài thì có vẻ khác nhau nhưng thực chất đều là vì tình cảm gia đình.
Thức dậy lúc 7 giờ, đi làm, tan làm và đi ngủ là một ngày của Mai Linh (30 tuổi) trong mắt gia đình.
Thức dậy lúc 9 giờ, ăn sáng đến gần trưa, học tiếng Anh, chuẩn bị phỏng vấn, tán gẫu với bạn bè. Đây mới là một ngày thực sự của Mai Linh.
Tình trạng này của cô đã kéo dài được một tuần. Một tuần trước, sếp thông báo về việc cô ấy bị sa thải. Sau đó 1 ngày, bộ phận nhân sự nói về chuyện bồi thường, bàn giao công việc và hôm sau, cô chính thức nghỉ việc. Chỉ trong vòng 3 ngày, từ nhân viên một công ty phần mềm lớn, Mai Linh trở thành người thất nghiệp. Cô không dám báo tin cho gia đình, ngoại trừ chồng và một người em họ đang sống cùng nhà. Lý do cô làm vậy rất đơn giản: “Tôi sợ bố mẹ lo lắng”.
Trong một bộ phim truyền hình có một cảnh thế này, người mẹ thất nghiệp nhưng mỗi ngày đều ra khỏi nhà. Kỳ thực là cô đi lang thang trong các trung tâm mua sắm, siêu thị và các nơi công cộng khác cả ngày để tránh bị con cái phát hiện. Điều này rất giống tình cảnh của Mai Linh, ngoại trừ việc cô ấy ở xa bố mẹ nên cô ấy có thể ở nhà mà không phải giải thích với bố mẹ.
Ngày nay, việc giả vờ đi làm không còn là chuyện của những người trung niên. Khi một số người trẻ chọn cách giả vờ đi làm, đó không chỉ là sự bất lực mà còn là mong muốn được tự lập.
Từ “chủ nghĩa” ăn thịt chuyển sang ăn chay
Sau khi bị sa thải, tâm trạng buồn bã của Mai Linh không kéo dài lâu, cô lo lắng nhiều hơn về tìm việc làm mới và áp lực cuộc sống. “Thời điểm này tìm việc rất khó, chúng tôi còn phải trả cả tiền mua nhà trả góp. May mắn thay, lương của chồng có thể cáng đáng những khoản này nhưng tốc độ tiết kiệm tiền để lo lắng cho tương lai đã chậm lại”.
So với Mai Linh, câu chuyện của Thế Hoàng (23 tuổi) có phần "bốc đồng" và "khó khăn" hơn. Sau khi tốt nghiệp, anh đến một thành phố lớn để thực tập và học việc tại một công ty dịch vụ. Theo hứa hẹn của công ty, thời gian đào tạo 3 tháng, thực tập từ nửa năm đến một năm và ai vượt qua vòng kiểm tra năng lực cuối cùng sẽ được giữ lại làm việc với mức lương cao. Sau 1 năm, Hoàng nhận thấy không thể đạt được mức lương như công ty đã hứa nên quyết định nghỉ việc.
Thế Hoàng đến từ một làng quê nghèo và gia đình cũng không lấy gì làm khá giả. Lương thực tập rất thấp nên trong 1 năm qua, anh chàng cũng không có nhiều tiền tiết kiệm. Sau khi nghỉ việc, số tiền còn lại trong túi không đủ để Hoàng trang trải tiền sinh hoạt trong 1 tháng. “Trong thời gian thực tập, ít nhất công ty cũng hỗ trợ tiền ăn ở. Khi nghỉ việc, tôi chỉ có thể đến quán Internet hoặc tá túc tại phòng của các đồng nghiệp cũ khi họ phải trực ca đêm. Về chuyện ăn uống, ban đầu tôi vẫn có tiền mua thịt cho bữa trưa nhưng chỉ vài ngày sau, tôi chỉ có thể ăn rau, chẳng khác nào một người ăn chay”. Mặc dù vậy, tôi không nói với bố mẹ về tình trạng khó khăn của mình vì “đằng nào họ cũng ở xa, không giúp được gì thì tại sao phải khiến họ lo lắng thêm”.
Trong thời gian này Thế Hoàng vẫn cố gắng tìm công việc mới nhưng đã bị từ chối hết lần này đến lần khác do thiếu kinh nghiệm. Đến ngày thứ 10, vì không chịu đựng được nữa nên đã vay người anh họ 1 triệu đồng. Không phải Hoàng không nghĩ đến việc về quê nhưng anh chàng vẫn muốn tạo ra đột phá. Phải đến nửa tháng sau, khi đã tìm được công việc mới, Thế Hoàng mới kể với gia đình. "Sau này tôi mới biết, bố mẹ cũng biết chuyện tôi vay tiền anh họ. Họ đã rất lo lắng và nghĩ rằng tôi bị lừa".
Trong cơn thủy triều của thời đại, con người giống như những mảng bèo, lên xuống theo từng đợt sóng. Áp lực việc làm của người trẻ cũng ngày càng cao, gây những nguyên nhân khách quan khiến một số người giả vờ đi làm. Bên cạnh đó tính cách cá nhân cũng là yếu tố chủ quan gây ra hiện tượng này.
Người trẻ được lớn lên trong bối cảnh kinh tế phát triển, có đòi hỏi cao hơn về quyền tự chủ và tự lập trong công việc. Trong quá trình thay đổi công việc, một số người đã ra quyết định một cách hấp tấp, chưa sẵn sàng cho sự thay đổi tại thời điểm đó hoặc không hiểu rõ về bản thân nên rất khó tìm được việc làm mới.
Có công việc ổn định là có tất cả?
Thu Hằng (26 tuổi) - một người làm thiết kế đồ họa, không đi làm ở công ty cố định mà là freelancer (người làm việc tự do). Nhưng trong mắt mọi người, đặc biệt là bố mẹ cô, làm việc tự do có nghĩa là không có việc làm. Cô đã nghỉ việc tự nguyện từ 3 tháng trước. Vì ở cùng với bố mẹ nên mỗi ngày cô đi làm và tan làm đúng giờ để họ không phát hiện ra. Thư viện, quán cà phê và đôi khi là công viên đã trở thành văn phòng của cô.
Từ nhỏ, Thu Hằng đã là một cô gái ngoan trong mắt mọi người, không có bí mật gì với cha mẹ. Ở công việc cũ, cô phải làm thêm giờ rất nhiều, lương thấp, bị đồng nghiệp gây sự. Sau nửa năm chịu đựng, cô đem chuyện đi làm kể với bố mẹ và cho biết mình muốn nghỉ việc. Những tưởng bố mẹ sẽ hiểu cho sự lựa chọn của con gái nhưng không, họ nổi giận và trách cô “kém cỏi, không chịu được khổ cực”. Khi đó Thu Hằng mới hiểu rằng trong mắt bố mẹ, công việc ổn định là quan trọng nhất. Vì vậy khi xin nghỉ để làm việc tự do, thay vì nói với bố mẹ, cô giả vờ như vẫn đang đi làm.
"Mặc dù có áp lực tài chính lại còn phải giả vờ đi làm, nhưng tôi không phải lo lắng về việc bố mẹ sẽ trách mắng". Dẫu vậy, nỗi lo lắng của Thu Hằng đến từ lý do khác: “Làm tự do nên thu nhập của tôi không ổn định, có khi rất bận rộn nhưng có khi lại chẳng có gì để làm. Mà không làm thì sẽ không có tiền”.
Dù tin rằng bố mẹ sẽ không trách móc mình khi nghỉ việc để ôn thi cao học nhưng Minh Phương (27 tuổi) cũng không nói với họ. “Tôi không muốn làm họ thất vọng”, Phương nói. Trước đây cô đã từng thử sức khi bố mẹ động viên nhưng kết quả không được tốt nên luôn cảm thấy áp lực. Không muốn quá khứ lặp lại, Phương quyết định âm thầm ra quyết định.
Suy cho cùng, các thành viên trong gia đình là yếu tố chính để nhiều người trẻ chọn giả vờ đi làm. “Sợ gia đình lo lắng”, “Bố mẹ không đồng ý”, “Không muốn làm bố mẹ thất vọng”… nhìn bề ngoài thì có vẻ khác nhau nhưng thực chất đều là tình cảm của người một nhà với nhau.
Về việc con cái thay đổi nghề nghiệp, bố mẹ có thể chấp nhận hay không và chấp nhận ở mức độ nào, một nửa lý do được cho là có liên quan mật thiết đến kinh nghiệm của bố mẹ. Bố mẹ thường có những quan điểm truyền thống hơn về công việc. Hơn nữa họ đã có nhiều năm đi làm, có thể đã trải qua làn sóng sa thải trong quá khứ nên rất coi trọng sự ổn định và an toàn trong công việc. Nhưng nếu có thể cảm nhận được rằng cuộc sống của con cái bây giờ rất tốt, hầu hết các bậc phụ huynh đều sẽ dần buông bỏ định kiến của mình.
Luôn đảm bảo mình ở thế chủ động
Dù việc giả vờ đi làm gặp nhiều khó khăn nhưng Thế Hoàng không hối hận về lựa chọn của mình. Thậm chí câu chuyện còn củng cố quan điểm báo tin tốt chứ không báo tin xấu cho gia đình của anh: “Cha mẹ tôi thật sự rất dễ lo lắng”. Nếu có thể quay lại quá khứ, Hoàng chỉ hy vọng mình có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi nghỉ việc để không rơi vào cảnh khó khăn về tài chính. Đồng thời, anh chàng cũng muốn học hỏi thêm và nâng cao khả năng đối phó với sự phức tạp trên thị trường nhân sự.
Sau khi giả vờ đi làm 1 tháng, Minh Phương đã quyết định từ bỏ. Vốn dĩ cô muốn dùng cách này giảm áp lực của kỳ thi cao học nhưng không ngờ sự lo lắng của cô ngày càng nghiêm trọng. Học ở quán cà phê không chỉ tốn kém mà cô luôn nơm nớp lo bị đuổi khéo vì ngồi tại quán quá lâu. Cô cũng không thể giữ bình tĩnh, thường xuyên mất ngủ và luôn tưởng tượng ra hậu quả của việc trượt kỳ thi cao học. Cuối cùng Phương đã thú nhận với bố mẹ. “Sau khi nói chuyện xong, tôi nghĩ rằng họ có thể hiểu được lo lắng của tôi và không gây áp lực cho tôi nữa. Sau đó tảng đá vô hình trong lòng cuối cùng cũng biến mất, tôi không còn thấy lo lắng và đỡ luôn chứng mất ngủ”.
Việc thay đổi công việc có nên được nói với bố mẹ hay không có liên quan đến nhiều yếu tố như bầu không khí gia đình, tính cách của bố mẹ và sự hòa hợp quan điểm của hai bên trong các quyết định lớn. Ngoài ra, tuổi tác của bố mẹ, sức khỏe của họ và bối cảnh khách quan khác cũng cần được tính đến. Nếu nghĩ rằng việc nói với bố mẹ sẽ đỡ căng thẳng hơn thì bạn có thể nói. Còn nếu bố mẹ khá bảo thủ, muốn thuyết phục bạn chọn công việc mà bản thân thấy không phù hợp thì hãy đề nghị được tự quyết định.
Cho dù lựa chọn nghề nghiệp như thế nào, người cuối cùng đối mặt với nó là chính bạn và không ai có thể lựa chọn thay bạn. Vì vậy trước bất kỳ quyết định công việc nào, hãy chủ động chuẩn bị cả về tinh thần lẫn tài chính trước khi thực hiện. Chỉ có như vậy mới giúp bạn luôn ở thế chủ động trong mọi hoàn cảnh.