Ba dấu hiệu nhận diện chính sách tiền tệ sắp đảo chiều, TTCK chuẩn bị bật tăng từ đáy
Việc nhận diện xu hướng thị trường sẽ giúp nhà đầu tư có những chiến lược và hành động phù hợp.
Tại Hội thảo "Tâm thế vững vàng, sẵn sàng vượt sóng" do FinPeace tổ chức, ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng đà giảm mạnh của TTCK năm 2022 bắt nguồn từ lạm phát tăng cao tại Mỹ và EU khiến Fed buộc phải “diều hâu” trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Giai đoạn tiền rẻ kết thúc, thanh khoản thiếu hụt khiến thị trường lao dốc mạnh.
Để nhận diện xu hướng thị trường năm 2023, ông Trần Đức Anh cho rằng nhà đầu tư cần theo dõi 2 chỉ số vĩ mô quan trọng là chính sách tài khoá chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN. Đối với chính sách tiền tệ, lạm phát là yếu tố mang tính chất quyết định lớn. Sang đến năm 2023, ông Trần Đức Anh nhìn thấy nhiều tín hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh. Lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, song khả năng cao sẽ sớm hạ nhiệt. Đó cũng là thời điểm thị trường sẽ đi lên từ đáy.
Bàn về câu chuyện thanh khoản thị trường liệu có được “cởi trói” trong năm 2023, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần quan sát 2 yếu tố là chính sách tiền tệ của NHNN và tốc độ giải ngân đầu tư công, trong đó chính sách tiền tệ là yếu tố quan trọng nhất. Nếu thanh khoản nền kinh tế giải quyết, dòng tiền trên thị trường chứng khoán cũng sẽ sớm được cởi bỏ.
Chuyên gia cũng nêu 3 dấu hiệu để nhận biết sự đảo chiều của chính sách tiền tệ. Thứ nhất, chỉ báo muộn nhất là mặt bằng lãi suất giảm, bởi khi lãi suất chính thức giảm thì thì thị trường chứng khoán cũng đã phản ứng vào giá. Thứ hai, động thái mua vào dự trữ ngoại hối của NHNN, tức mua đô la vào và bán tiền đồng ra ngoài. Thứ ba, chỉ báo sớm nhất và cũng mang tính rủi ro cao nhất là nhìn vào đà giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế, bởi khi đó tỷ giá sẽ hạ nhiệt và NHNN bắt đầu mua dự trữ ngoại hối.
Lý giải về đà mua ròng của khối ngoại, chuyên gia KBSV cho rằng điều kiện vĩ mô ổn định cùng định giá hấp dẫn là yếu tố kích hoạt đà mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Để trả lời cho câu hỏi liệu đà mua ròng của khối ngoại có mất đi trong năm 2023, chuyên gia nhấn mạnh 2 yếu tố chi phối là thị trường chứng khoán tăng lại và lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh khiến P/E thị trường tăng cao, định giá giảm.
Mặc dù vẫn còn một số yếu tố rủi ro, song chuyên gia cho rằng chưa có rủi ro nào cho thấy dòng vốn ngoại có thể rời bỏ thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ổn định, Việt Nam vẫn điểm sáng trong khu vực trong khi một số nước trong Âu Châu đối diện nguy cơ suy thoái cao. Dù vậy, cần theo dõi về việc mở cửa nền kinh tế của TQ, bởi điều này có thể khiến dòng vốn chuyển dịch.
Nêu quan điểm về câu chuyện dòng tiền trên thị trường, ông Nguyễn Trung Du – Chuyên gia Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản cho rằng thanh khoản chưa thể cải thiện ít nhất từ thời điểm hiện tại cho đến tháng 6, bởi lãi suất sẽ chưa thể sớm đảo chiều giảm. Yếu tố kỳ vọng duy nhất trong thời điểm hiện tại là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bù đắp cho tín dụng ngân hàng.
Theo phân tích của ông Nguyễn Trung Du, dòng tiền trên thị trường chỉ có thể sôi động trở lại khi có sự nhập cuộc của nhà đầu tư cá nhân. “Nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng rồi “cất đi” chứ không giao dịch quá nhiều, điều này cũng khiến thanh khoản èo uột. Thị trường chỉ bắt đầu chu kỳ tăng mới khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng” , chuyên gia nhận định.
Tuy điều này khó xảy ra trong nửa đầu năm, song chuyên gia cho rằng sau quý 2 tới đây bối cảnh có thể sẽ đảo ngược. Kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường của ông Du cho thấy, sau các cú sập thị trường đều đi lên mạnh mẽ hơn. Dù vậy, thanh khoản năm 2023 sẽ khó vượt năm 2022 với giá trị giao dịch trung bình dưới 14.000-15.000 tỷ đồng. Rất khó có chuyện thị trường bùng nổ mà chỉ là những con sóng phục hồi.
Gợi ý chiến lược giao dịch, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần chọn lọc kỹ, bởi thị trường sẽ có sự phân hoá mạnh. Thay vì chọn nhóm ngành, nhà đầu tư cần tập trung vào cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng tích cực.