A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Sớm tách cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp để tách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các làng, khu dân cư.

Quanh năm sống chung với ô nhiễm

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.

Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22 - 25 nghìn tỷ đồng/năm.

Sớm tách cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư

Tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, phế liệu được thu gom từ các nơi về chất thành đống

Bên cạnh những con số về kinh tế thì vấn đề môi trường tại các làng nghề vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Hiện nay, Hà Nội có tới 139 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 91 làng nghề gây ô nhiễm…

Kết quả điều tra cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4 - 6,7 lần…

Đơn cử, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nhiều năm nay đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề. Đủ các loại phế liệu, rác thải, nhất là vỏ chai nhựa được người dân thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, thu gom từ khắp các nơi về chất thành đống, để khắp đường làng, ngõ xóm… Sau khi phân loại, “rác thải” được người dân nơi đây mang đi đốt trộm, làm ảnh hưởng đến cả những thôn, xóm vùng lân cận.

Tình trạng này đã được chính người dân thôn Xà Cầu phản ánh, ngoài việc ô nhiễm môi trường (gây mất mỹ quan xanh, sạch, đẹp) thì việc sống tại thôn còn có nỗi lo về sức khỏe do ảnh hưởng của nhiều mùi (khét lẹt, hắc…), cùng với đó là nguồn nước cũng bị ảnh hưởng nặng.

"Quang năm, chúng tôi sống chung với ô nhiễm, khói bụi, hôi thối. Sợ nhất là buổi tối các cơ sở tái chế đốt rác thải nhựa không dùng được. Tôi chỉ mong sớm có một khu dồn các cơ sở này lại một chỗ riêng, để người dân xung quanh được sống trong môi trường lành mạnh hơn", một người dân xã Xà Cầu than thở.

Xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn thì tất cả đều được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống với nghề chẻ tăm làm hương. Nhờ có các nghề truyền thống phát triển nên đời sống kinh tế của Nhân dân trong xã rất sung túc. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của các làng nghề, nhiều năm qua, xã Quảng Phú Cầu phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải.

Báo cáo và phân tích môi trường tại 65 làng nghề của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy có 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Hiện có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý.

Tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở sản xuất tại khu dân cư… mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện việc bảo vệ môi trường ngành Công thương Hà Nội năm 2025.

Huyện Thường Tín xây dựng các cụm công nghiệp để đưa các cơ sở vào sản xuất tập trung. Ảnh: Thúy Nga

Huyện Thường Tín xây dựng các cụm công nghiệp để đưa các cơ sở vào sản xuất tập trung (Ảnh: Thúy Nga)

Theo đó, cùng với duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ môi trường, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cụm công nghiệp sản xuất, lưu giữ hóa chất tập trung bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định bảo vệ môi trường.

Thành phố tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp để tách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các làng, khu dân cư; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp và làng nghề.

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp phục vụ công tác bảo vệ môi trường ngành Công thương; từng bước vận động thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường.

Đồng thời, Hà Nội sẽ xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường và kinh tế tuần hoàn ngành Công thương; thực hiện các giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý môi trường cho các ngành công nghiệp theo điều kiện và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ.

Thành phố cũng chỉ đạo Sở, ngành liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định quản lý bảo vệ môi trường, giảm nhẹ phát thải nhà kính trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.

Đáng chú ý, thành phố chỉ đạo các đơn vị tham gia đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... để xây dựng chính sách quản lý, kiểm soát phù hợp.

Để làm tốt việc này, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các cụm công nghiệp sản xuất tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp hóa chất bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định bảo vệ môi trường.

Sở Công thương Hà Nội phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của ngành Công thương theo quy định; phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công thương.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết