A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhiều trường lên kế hoạch bổ trợ cho học sinh cuối cấp

Trước thềm Thông tư 29/2024 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dừng hoạt động dạy thêm. Nhiều trường xây dựng kế hoạch bổ trợ cho học sinh cuối cấp chưa vững kiến thức.

Nhiều khó khăn với học sinh, phụ huynh

Thông tư 29/2024 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT quy định, từ ngày 14/2, hoạt động dạy thêm tại nhà trường sẽ không được thu phí và chỉ dạy học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Học sinh trường THCS Đại Đồng trong giờ học tiếng Anh
Giờ học của học sinh THCS ở Hà Nội

Thông tư này có hiệu lực vào giữa tháng 2, cũng là thời điểm thầy và trò các trường THCS, THPT đang dồn sức chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT đang cận kề.

Những ngày gần đây, khi các quy định về dạy thêm, học thêm chuẩn bị có hiệu lực, chị Trần Minh Phương (ở phường Văn Quán, quận Hà Đông) như ngồi trên đống lửa.

Chị Phương trăn trở: "Con đang học lớp 12. Đây cũng là năm đầu tiên, các con thi tốt nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc dừng học thêm với học sinh cuối cấp ở giai đoạn này sẽ gây ra những khó khăn nhất định. Thứ nhất là chi phí học tập ở ngoài trung tâm sẽ tốn kém, đắt đỏ hơn so với học thêm tại trường.

Với nhiều phụ huynh ở khu vực nông thôn hoặc nhà đông con, áp lực này sẽ tăng lên. Thứ hai, phụ huynh sẽ khó quản lý con so với con học thêm tại trường”.

Nói thêm về Thông tư 29, một phụ huynh có con đang học THCS nhận định, quy định có nhiều mặt tích cực khi hạn chế được tình trạng giáo viên giảng dạy trên lớp chưa thực sự hiệu quả. Với thông tư này, để có thể dạy thêm ngoài nhà trường, mỗi giáo viên cũng sẽ cần tự khẳng định chất lượng, uy tín của bản thân để thu hút học sinh.

Với những giáo viên giỏi, vững chuyên môn khi ra các trung tâm giảng dạy vẫn sẽ đông người học và đảm bảo nguồn thu. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện quy định về dạy thêm học thêm khá gấp rút, với học sinh cuối cấp, khi áp dụng quy định mới việc học sẽ có những xáo trộn nhất định.

Không chỉ trăn trở, lo lắng về chi phí học tập, chất lượng ôn thi khi các kỳ thi đang đến gần, nhiều phụ huynh lo không quản lý được con.

“Bình thường con học chính khóa buổi sáng và bổ trợ kiến thức buổi chiều. Hiện tại, không còn học thêm thì chiều các con sẽ được nghỉ, tôi không biết thời gian ấy phải giám sát, quản lý con như thế nào khi bố mẹ đều bận đi làm?”, chị Thu Thủy (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Lên kế hoạch hỗ trợ học sinh cuối cấp

Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có 733 học sinh lớp 12. Thời điểm này, thầy và trò nhà trường đang dồn lực hoàn thành chương trình lớp 12 theo kế hoạch năm học, đồng thời tích cực chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến ngày một gần hơn.

Để tạo dựng văn hóa đọc, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình, lồng ghép nhiều sự kiện để giáo dục, định hướng cho học sinh về việc đọc và học tập suốt đời
Ảnh minh họa

Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện tại, nhà trường không tổ chức việc dạy thêm trong trường có thu tiền. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch bổ trợ cho học sinh 12 còn chưa vững kiến thức và kỹ năng làm bài thi, không thu tiền. Đây là hoạt động được nhà trường triển khai đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, thay vì thực hiện từ tháng 4 như các năm trước, năm học này, nhà trường sẽ triển khai từ tháng 3”.

Bên cạnh đó, trường THPT Trương Định cũng thực hiện phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên về nội dung Thông tư 29, nhấn mạnh đến quy định dạy thêm ngoài nhà trường.

Thầy Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, ban giám hiệu đã họp với toàn bộ giáo viên trong trường, phổ biến rõ về quy định mới, đồng thời thống nhất cần mở các lớp bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp có nhu cầu, nhưng không được thu phí.

“Nhà trường vận động giáo viên tất cả vì học sinh thân yêu, có trách nhiệm với chất lượng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Chúng tôi lấy ý kiến dân chủ để giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia dạy miễn phí cho học sinh cuối cấp.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tính toán ngân sách, trường trích một phần kinh phí nhỏ dự kiến là 70.000 đồng/tiết học để động viên, bồi dưỡng thêm cho giáo viên, mức tiền này không phải thù lao.

Thông thường, nếu chưa tính theo mức tiền dạy thừa giờ, thì thầy cô cũng đã nhận khoảng 200.000 đồng/tiết, nếu nhân với hệ số dạy thừa giờ theo quy định thêm 150% nữa, thì mức thù lao sẽ rất cao, nhà trường không có đủ quỹ để bù đắp vào phần kinh phí tổ chức dạy học.

Trên tinh thần tự nguyện, đa phần thầy cô đều sẵn sàng, trước đó một số giáo viên đã tự có ý kiến với lãnh đạo nhà trường, mong muốn được tiếp tục dạy học sinh không thu tiền, đề nghị nhà trường hỗ trợ về cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những thầy cô còn e ngại, mong được tính thù lao theo mức tiền dạy thêm giờ. Sau quá trình làm công tác tư tưởng, giáo viên toàn trường đã thống nhất sẽ dạy học sinh lớp 12 mà không thu phí”.

Thầy Hoàng Đức Thuận cho biết thêm, trường sẽ tổ chức các lớp học thêm cho học sinh lớp 12 ở tất cả các môn thi tốt nghiệp. Một số môn có khá ít học sinh như Sinh học có 11 em đăng ký, nhà trường vẫn tổ chức lớp học. “Quan điểm của trường là có 3 - 4 học sinh/lớp cũng dạy".

Tuy nhiên, theo thầy Thuận, việc vận động giáo viên dạy miễn phí như hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách, về lâu dài vẫn cần sự hướng dẫn cụ thể cũng như có nguồn ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động dạy thêm tại nhà trường.

“Nếu với số học sinh lớp 12 hiện nay tại trường, và áp dụng mức thu tiền học thêm theo quy định của thành phố Hà Nội là 7.000 đồng/tiết học, thì sẽ mất khoảng 140 triệu đồng/tháng với khối 12. Điều này rất khó cho các trường, hoàn toàn không có đủ nguồn ngân sách để bù đắp kinh phí.

Trong giai đoạn ôn thi nước rút, cũng là năm đầu tiên áp dụng quy định có thể vận động giáo viên hỗ trợ, chia sẻ, nhưng nếu tiếp tục kéo dài ở những năm học sau rất khó để các trường duy trì việc dạy miễn phí”, thầy Thuận lo ngại.

Hôm qua, ngày 11/2, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND cấp tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông; trong đó nhấn mạnh nội dung: UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh.

Trong nội dung công văn có nói, các địa phương tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của Chương trình GDPT 2018.

Theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết