A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhiều đề xuất nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 toàn ngành Giáo dục diễn ra sáng ngày 19/8, các đại biểu đã tham gia góp ý và chia sẻ các kinh nghiệm cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 hiệu quả hơn.

Article thumbnail
Toàn cảnh hội nghị đầu cầu trung tâm TP Hà Nội. Ảnh: LP

Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng năm học năm học 2023 - 2024 ngành Giáo dục đã bứt phá về đổi mới giáo dục và đào tạo đó là chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đều được nâng lên; phương pháp giáo dục đổi mới; số lượng, chất lượng nhà giáo đều được nâng lên; quản lý giáo dục có nhiều điểm mới; kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; đưa số hóa vào nhà trường và vào quản lý giáo dục rất rõ rệt; kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công tốt đẹp.

Bên cạnh các kết quả đạt được, GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng chỉ ra những vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có thách thức về chất lượng đội ngũ giáo viên; đời sống giáo viên còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc đọc, tự học, tự nâng cao trình độ, đặc biệt là giáo viên mầm non; hệ thống sổ sách, yêu cầu báo cáo còn nặng nề…

GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng “điểm nghẽn” lớn nhất chính là chất lượng nhà giáo, đồng thời dẫn những thông tin còn nhiều băn khoăn về chất lượng lao động Việt Nam và nhấn mạnh phải kích đẩy chất lượng giáo dục. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng đội ngũ, vì người thầy chính là “chìa khóa”. Đây là bài toán khó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc.

 GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đề án, đồng thời có cơ chế đặc thù về đầu tư mua sắm theo tinh thần “đột phát của đột phá” để triển khai thành công đề án.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn, nhất là cách tính chỉ tiêu, đội ngũ cơ hữu ngành gần so với quy định hiện nay, vì đây là ngành nghề mới. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo, tránh tình trạng trăm hoa đua nở, đào tạo theo phong trào dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế…

 PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đổi mới giáo dục đang đi đúng hướng. Hiện các cơ sở đào tạo giáo viên đã bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và coi đây là căn cứ để soạn chương trình đào tạo gáo viên. Các trường đại học sư phạm chủ chốt đã mở ngành và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn mới như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… góp phần cung cấp đội ngũ nhà giáo cho các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn về thừa thiếu giáo viên cục bộ.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cũng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên theo hướng linh hoạt, sát thực tiễn. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sư phạm. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến bồi dưỡng giáo viên lâu dài.

 PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP

Chia sẻ về những khó khăn trong biên chế giáo viên, khi quy mô tăng, dẫn đến số biên chế thiếu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên cho phù hợp với thực tiễn.

Theo Luật Giáo dục Đại học quy định phân cấp quản lý cho UBND cấp tỉnh. Hiện Hà Nội có hơn 120 trường đại học cao đẳng với 1 triệu sinh viên. Do đó, Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của địa phương quản lý để phù hợp với thực tế.

Bà Hà cũng cho biết, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, trong đó có Điều 22 quy định phát triển giáo dục đào tạo, có chính sách đặc thù. Hà Nội hiện đang cụ thể hóa các nội dung trong luật và mong các bộ, ngành quan tâm, hướng dẫn.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà tại điểm cầu TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP

Tại TP Hồ Chí Minh, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, năm học 2024 - 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của HĐND TP Hồ Chí Minh dành cho giáo dục. Tham mưu trình HĐND TP Hồ Chí Minh thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong năm 2024, TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp TP chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Trong đó công trình “Đầu tư, chuẩn hóa và hiện đại cơ sở vật chất, góp phần thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Đồng thời phấn đấu giai đoạn 2023 - 2025 toàn TP đạt mục tiêu thực hiện công trình xây dựng 4.500 phòng học mới đưa vào khai thác sử dụng” đã thực hiện gần hết chặng đường, dù vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương; ngành Giáo dục nỗ lực phấn đấu đề xuất giải pháp phấn đấu hoàn thành công trình đúng tiến độ, kế hoạch…

 Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng thì đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và các bộ, ngành liên quan không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này;

Giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp học.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP

Nâng mức hỗ trợ cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, học sinh bán trú, mức hỗ trợ tổ chức nấu ăn các trường. Có chế độ hỗ trợ cho các trường phổ thông có học sinh bán trú nhưng không phải là trường bán trú; kéo dài thời gian được hưởng các chính sách hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn khi các xã này được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt là áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên. Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như: Tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa. Có chính sách hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong đào tạo giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ Trường Đại học Điện Biên Phủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết