A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Làm thế nào để không cho chép bài, bạn vẫn chơi với mình?

Đó là một trong những nội dung mà nhiều bạn học sinh đã chia sẻ tại Diễn đàn Trẻ em Thành phố Hà Nội, năm 2024, chủ đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”. Chương trình do Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội tổ chức tại Trường Lê Duẩn vào sáng ngày 5/4.

Sự kiện được tổ chức nhằm thực hiện Chương trình Công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô năm học 2023 - 2024; Chào mừng kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941- 15/5/2024); Thực hiện chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”,

Diễn đàn trẻ em năm 2024 tập hợp được ý kiến của các học sinh đến từ 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố

Diễn đàn trẻ em năm 2024 tập hợp được ý kiến của các học sinh đến từ 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố

Tham dự diễn đàn về phía đại biểu, chuyên gia cấp trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Nga, Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bác sĩ Nguyễn Trọng An, phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng....

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, phó trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Đào Đức Việt, Phó bí thư Thành đoàn. Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố…

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Qua nhiều năm triển khai, Diễn đàn là nơi để thiếu nhi Thủ đô có thể bày tỏ những nguyện vọng, mong muốn, đề xuất ý kiến của mình về những vấn đề mà các em quan tâm gửi đến các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia. Thông qua những chia sẻ, định hướng, trẻ em được lắng nghe những kiến thức, lời khuyên bổ ích giúp các em vượt qua những nguy cơ, trình trạng cực đoan làm biến dạng môi trường sư phạm, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Đồng chí Đào Đức Việt phát biểu tại chương trình

Đồng chí Đào Đức Việt phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Đào Đức Việt cho biết, hiện nay bạo lực học đường là một vấn đề mà các ban ngành rất chú trọng. Theo thống kê, hàng năm có hơn 85% vụ bạo lực học đường xảy ra ở thành phố Hà Nội, đặc biệt là tồn tại ở các khối lượng khối THCS và THPT...

Căn cứ điều kiện thực tế, Thành đoàn - Hội đồng Đội Thành phố chỉ đạo triển khai mô hình Diễn đàn Trẻ em tại các cơ sở Đoàn - Đội và địa phương trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các đại biểu thiếu nhi tại Diễn đàn, ngoài các ý kiến được giải đáp, hỗ trợ, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các em để đề xuất các Sở, ngành, tổ chức liên quan cùng phối hợp giải quyết.

Sau khi được giải đáp, tư vấn và chia sẻ, các bạn thiếu nhi đã ý thức được việc cần trang bị cho mình những hiểu biết về pháp luật, mạnh dạn, tự tin hơn trong việc bảo vệ bản thân, có kiến thức và có kĩ năng ứng xử với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trong nhà trường; kĩ năng xây dựng nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, ứng xử góp phần xây dựng hình mẫu “Thiếu nhi Thủ đô thanh lịch, văn minh”…

Cách phòng tránh bạo lực học đường

Các ý kiến tại Diễn đàn xoay quanh 3 nhóm vấn đề: “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; “Giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh trong trường học, nơi công cộng và môi trường mạng xã hội hiện nay”; Các vấn đề liên quan đến học tập, tham gia các hoạt động sinh hoạt tại Liên đội và địa bàn dân cư; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Các đại biểu, chuyên gia khách mời giải đáp những thắc mắc của học sinh

Các đại biểu, chuyên gia khách mời giải đáp những thắc mắc của học sinh

Tại chương trình, nhiều bạn học sinh đã đưa ra những câu hỏi, ý kiến thiết thực như: Trong lớp có bạn chép bài mà mình không cho chép, bạn ấy không chơi với mình thì phải làm sao; Một bạn trong nhóm bạn thân chơi thân với nhau, bỗng dưng. một ngày nào đó bạn ấy chơi với nhóm khác, cô lập mình thì làm thế nào; Có một vài bạn bạo lực ngôn từ với nhiều bạn khác mà bạn ấy không biết là sai, mình phải làm thế nào để phân tích cho bạn ấy hiểu…

Giải đáp những câu hỏi, băn khoăn của nhiều học sinh về tình bạn, ông Kiểu Cao Trinh, Phó trưởng phòng Công tác Chính trị Tư tưởng hướng dẫn: “Trong lớp có bạn chép bài mà mình không cho chép thì bạn ấy không chơi với mình, đây là tình huống thường xuyên xảy ra. Trước hết em phải nói với bạn để bạn hiểu, học đó là học cho mình có kiến thức, mai lớn lên xây dựng quê hương, đất nước, có việc làm ổn định nuôi sống bản thân, gia đinh. Nếu bạn không nghe thì em hãy chia sẻ với bố mẹ, cô giáo để cô có thể chuyển đổi vị trí ngồi…

Cũng theo các chuyên gia, hiện có nhiều hình thức bạo lực học đường: Bạo lực nóng là hình thức đánh, đấm mà ta nhìn thấy được; Bạo lực lạnh là hình thức bạo lực về tinh thần, không giao tiếp, chia sẻ với người khác, hhình thức này xảy ra nhiều trong trường học. Để tránh nội dung này, thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức nhiều diễn đàn trẻ em, các hoạt động Đội trong nhà trường để lắng ý kiến nghe trẻ em, học sinh.

Cách để giải quyết mọi vấn đề bạo lực học đường nhanh chóng và thiết thực nhất là chia sẻ, chuyện trò với bố mẹ, thầy cô, người thân.

Theo chuyên gia đến từ Bộ Công an, khoảng 80% những vụ học sinh đánh nhau hiện nay xuất phát trên mạng xã hội, yêu sớm.. những mâu thuẫn kiểu như vậy phát sinh trên mạng và lôi ra ngoài đời để đánh nhau. Trong đó có khoảng 90% là học sinh nữ đánh nhau.

Các bạn nhỏ đã đưa ra những câu hỏi, tình huống thực tế của bản thân mong các chuyên gia giải đáp, tư vấn

Các bạn nhỏ đã đưa ra những câu hỏi, tình huống thực tế của bản thân mong các chuyên gia giải đáp, tư vấn

Với hành vi đánh bạn dẫn đến tử vong sẽ bị khởi tố tội giết người, đánh bạn bị thương tích sẽ bị khởi tố, điều tra thương tích, dưới 14 tuổi, nếu vi phạm sẽ bị xử lí tội khác: khiển trách, giáo dục tại cộng đồng, cho trại giáo dưỡng…

“Tránh nguy cơ bị bắt nạt, các bạn phải rèn luyện sức khoẻ để trở nên mạnh mẽ, tự có khả năng tự vệ, khi mạnh mẽ có sức đề kháng thì kẻ bắt nạt không dám động đến mình. Trong bộ luật hình sự có cho phép chúng ta chống trả lại một cách cần thiết khi người khác xâm hại tính mạng, sức khoẻ. Về chuyện quay clip bạn bị đánh rồi đưa lên mạng, tôi cho rằng những người này bị ung thư về mặt tâm hồn, vô cảm trước nỗi đau của bạn mình… Vì vậy, hãy tránh xa bạo lực học đường, biến tuổi thơ trở nên ý nghĩa, biết trân trọng những tháng ngày đang ở bên nhau. Hãy sống nhân ái, chan hoà, hãy đọng lại cho nhau tình cảm trong sáng…” chuyên gia Bộ Công an nhấn mạnh.

Link bài gốc Copy link
 

Tác giả: Đình Trung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết