A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hoài niệm “trên bến dưới thuyền” giữa phố

Những ngày qua, trên những dòng sông, kênh ở TP Hồ Chí Minh có nhiều không gian "trên bến dưới thuyền" nhân dịp Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ 2, đã tạo sự cuốn hút, đánh thức bao hoài niệm văn hóa sông nước đặc sắc từ xa xưa. Nơi bến sông những chiếc ghe được tô điểm màu sắc truyền thống, đầy ắp cây trái. Những thiếu nữ mặc áo bà ba, áo dài cười rạng rỡ đón chào người dân và du khách. Những gian hàng ẩm thực Nam Bộ trên bờ với đủ loại món ăn, trái cây thu hút nhiều người đến thưởng thức, trầm trồ ngợi khen. Về đêm, những ánh đèn từ ghe soi xuống dòng nước ròng khi triều xuống đã gợi nên bao cảm xúc, hoài niệm thuở nào.

Nhiều người đã chia sẻ với chúng tôi rằng, giữa đô thị sầm uất, vun vút những nhà cao tầng, chen kín dòng người xe tấp nập, dày đặc những dòng sông, kênh rạch với những bản sắc văn hóa lịch sử hơn 300 năm này, không gian “trên bến dưới thuyền” đã mang lại nhiều ý nghĩa không chỉ ở sự độc đáo, thú vị mà còn giúp tái hiện dấu ấn đặc sắc của văn hóa sông nước suốt chiều dài lịch sử khẩn hoang, hình thành nên Gia Định, Sài Gòn và TP Hồ Chí Minh ngày nay. Đó là nét văn hóa, không gian giao thương từ xa xưa, thời mà giao thông đường bộ chưa phát triển, giao thông đường thủy là phương tiện di chuyển chính của người dân, hoạt động buôn bán đã giúp hình thành những đô thị ven sông, địa danh lịch sử, văn hóa như: Bến Nghé, Bến Thành, bến Bình Đông, bến Bạch Đằng... Yếu tố truyền thống ấy đã tạo nên sức hút lôi cuốn đối với người dân và du khách hào hứng đến tham quan, mua sắm và vui chơi.

“Các gian hàng và hoạt động tại đây đa dạng, có rất nhiều đặc sản mang bản sắc địa phương như: Khô cá sặc, các loại bánh dân gian Nam Bộ, nhiều loại hoa trái và các món ăn độc đáo của vùng sông nước miền Tây, được tái hiện sinh động, để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ, khó quên”, anh Huỳnh Phúc Nguyên, sinh năm 1998, tại quận 4 chia sẻ cảm nhận. 

Du khách tham gia hoạt động tham quan trên kênh Nhiêu Lộc-Thị nghè tại không gian "Trên bến dưới thuyền". 

Chị Lê Mai Quỳnh Như, sinh năm 1991, tại quận Tân Phú cho biết: “Không gian lễ hội rất sôi nổi, mọi người đến đây đông vui. Tôi đưa các con tới mua sắm các loại nông sản, tham quan những gian hàng thủ công mỹ nghệ được làm bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Vui nhất là con tôi được trải nghiệm khi cùng các nghệ nhân trực tiếp chế tác sản phẩm. Tại đây còn có các trang phục truyền thống của người dân Nam Bộ như áo bà ba, khăn rằn cho du khách chụp hình, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Ở thành phố hiếm khi các con được trải nghiệm một không gian đậm chất miền Tây sông nước như vậy”.

Hoạt động của không gian “trên bến dưới thuyền” thuộc khuôn khổ Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ 2 do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị lữ hành tổ chức với nhiều không gian “trên bến dưới thuyền”, đã đem lại nguồn cảm hứng khám phá, trải nghiệm cho người dân và du khách với vẻ đẹp văn hóa sông nước truyền thống của Thành phố mang tên Bác. Không gian "trên bến dưới thuyền" gợi nhớ về hương vị của những món ăn Nam Bộ mộc mạc nhưng lưu giữ những ký ức, kỷ niệm đối với vùng đất miền Tây Nam Bộ hiền hòa, chất phác. Nó cũng truyền tải thông điệp về văn hóa ứng xử của cộng đồng đối với môi trường sông nước, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến phát triển bền vững. Hoạt động này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, xây dựng sản phẩm, đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế du lịch từ hệ thống tài nguyên sông nước trên địa bàn thành phố, hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước độc đáo, giàu bản sắc văn hóa. 

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết