"Thổi hồn" vào những thân tre
Sau khi xuất ngũ, anh Đào Văn Bình (32 tuổi, trú tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) làm nhiều nghề như thợ sơn, thợ điện, lái xe, giao hàng để mưu sinh nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Cuối năm 2022, trong một lần xem ti vi, thấy nhiều nghệ nhân, nhà vườn ở miền Bắc dần trở nên khấm khá với nghề làm tre bon sai, anh Bình quyết định khởi nghiệp với loại cây “thân gầy guộc, lá mong manh” vốn rất quen thuộc, gần gũi với tuổi thơ của mình...
Sau khi tìm hiểu trên internet về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại tre, trúc suốt mấy tháng liền, anh Đào Văn Bình cứ “một mình một ngựa” rong ruổi khắp địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana, M’Đrăk... để tìm kiếm những phôi tre, trúc, gốc tre, trúc tự nhiên có hình dáng đẹp, lạ, bắt mắt mang về ươm ủ tại vườn nhà. Thời gian đầu, do chủ quan, nóng vội, anh thường sử dụng hóa chất “kích” cho cây ra rễ, mọc mầm nhanh, khiến các phôi tre bị ngộp, héo lá và chết. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, anh đã trở thành một trong những nghệ nhân tre, trúc bon sai có tiếng trên phố núi Buôn Ma Thuột.
Anh Đào Văn Bình bên gốc tre bon sai có kiểu dáng đẹp. |
Bên vườn cây bạc tỷ với hàng nghìn gốc tre, trúc đủ chủng loại, kiểu dáng, kích cỡ, giá thành, anh Bình cho biết: “Tre, trúc là hai loại cây khá phổ biến ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, để tìm được một phôi ưng ý lại không hề dễ. Có đợt tôi đi rừng suốt 2-3 ngày liền, bị muỗi, vắt, ruồi vàng đốt sưng hết cả người, “nếm mật, nằm gai” đủ cả mà vẫn phải ra về tay trắng. Chuyện chăm sóc phôi tre, trúc cũng kỳ công lắm, bởi không cẩn thận là phôi sẽ bị sốc nhiệt, úng nước, héo úa, không cách gì cứu được”.
Theo chia sẻ của anh Bình, từ một phôi tre, trúc tự nhiên, sau quá trình ươm ủ, tạo dáng, đánh chậu với rất nhiều kỹ thuật, công đoạn, bí quyết khác nhau sẽ cho ra những chậu bon sai thành phẩm mang tính độc bản, có một không hai nên rất được thị trường ưa chuộng. Những thân tre, trúc lâu năm, có dáng rồng uốn lượn, xoắn ốc, gốc xù xì, bộ rễ nổi tự nhiên gồm 3 đốt “phúc, lộc, thọ” hoặc 5 đốt “sinh, lão, bệnh, tử, sinh” thường có giá rất cao. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, anh Bình phải rất vất vả mới thuê được hai gian hàng tại Chợ hoa xuân Buôn Ma Thuột để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm mang đậm hồn quê do chính mình dày công chế tác và chăm sóc, thế nhưng mới chiều 23 tháng Chạp đã anh dọn quầy bởi không còn hàng để bán.
Nhận thấy nhu cầu chơi tre, trúc cảnh của người dân liên tục tăng cao, mỗi khi rảnh rỗi, anh Bình lại lên mạng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chơi tre, trúc với những người có cùng đam mê, sở thích trong cả nước. Tiếng lành đồn xa, qua mạng xã hội, nhiều cựu chiến binh, quân nhân xuất ngũ từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương, Bình Phước cũng tìm lên Đắk Lắk gặp anh để học nghề. Với ai anh Bình cũng sẵn lòng chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm chứ không hề giấu giếm. "Buôn có bạn, bán có phường", nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực của những “cánh tay nối dài” này, thi thoảng anh lại tìm mua được những phôi tre gai lá nhỏ, tre ngà vàng, trúc bụng Phật khá ưng ý để bổ sung vào bộ sưu tập của mình.
Đồng hành với con trai, hai năm qua, ông Đào Văn Lâm đã bỏ hẳn nghề thợ xây để chuyên tâm thiết kế và đắp các loại chậu cảnh trồng tre, trúc. Theo hình dạng, kích thước của những phôi tre, trúc, ông Lâm đã tạo nên hàng trăm chiếc chậu xi măng giả gỗ, giả nhựa nhỏ bằng lòng bàn tay, quyển sách, song cũng có những chiếc to như mặt bàn trà, nặng mấy người khiêng. Hiện nay, mỗi tháng, hai bố con ông bán được khoảng 50 gốc tre, trúc cảnh bon sai với giá dao động từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng mỗi chậu. Khách hàng ngoài những người trung niên, lớn tuổi muốn hoài niệm thời gian còn có nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố, vốn chưa từng biết bờ tre, gốc rạ là gì.
Anh Đào Văn Bình dự định, thời gian tới sẽ từng bước đầu tư mở rộng quy mô, diện tích vườn cây, đồng thời liên hệ, mời các nghệ nhân đến tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chế tác, làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, trúc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, qua đó tạo việc làm ổn định cho anh em, đồng đội cũ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Bài và ảnh: LÊ HÀ