Cuộc chiến chống thông tin giả toàn cầu: G20 thúc đẩy hệ sinh thái thông tin an toàn
Các bộ trưởng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí sẽ chung tay chống thông tin sai lệch và thiết lập chương trình nghị sự về trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là lần đầu tiên nhóm này thừa nhận về tính nghiêm trọng cũng như quy mô, phạm vi ngày càng gia tăng của tình trạng thông tin sai lệch và các phát ngôn thù địch.
Tuyên bố của các bộ trưởng G20 đưa ra ngày 13-9 sau cuộc họp tại Maceio, thủ phủ của bang Alagoas (Brazil) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm các nền tảng kỹ thuật số phải minh bạch, phù hợp với những chính sách liên quan và khuôn khổ pháp lý hiện hành. Các đại diện của G20 cũng nhất trí thiết lập hướng dẫn để phát triển AI, kêu gọi sử dụng AI một cách có đạo đức, minh bạch và trách nhiệm, với sự giám sát của con người và tuân thủ luật riêng tư, quyền con người.
Nói cách khác, các bộ trưởng G20 đã nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái thông tin đa dạng, chính xác, kịp thời. Bởi, nếu không có hệ sinh thái đủ tin cậy, niềm tin vào nền kinh tế kỹ thuật số, vào các thể chế và quy trình quản trị có thể bị ảnh hưởng. Với quan ngại về rủi ro tiềm tàng do AI gây ra, G20 kêu gọi thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện, đặc biệt là xây dựng năng lực, nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ tự nguyện và chia sẻ kiến thức, mở rộng sự tham gia của tất cả các quốc gia nhằm nâng cao khả năng ứng phó.
Cùng với việc giải quyết các thách thức, nhóm G20 cam kết khai thác tiềm năng của quá trình chuyển đổi số, đồng thời lưu ý đến nhu cầu, hoàn cảnh và năng lực của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, hướng tới mục tiêu đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Những năm gần đây, tin giả dần được coi là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh và sự ổn định của thế giới. Theo báo cáo rủi ro toàn cầu 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), thông tin sai lệch đã được chọn là một rủi ro toàn cầu nổi bật. Từ khi công nghệ AI bùng nổ, những thách thức mới ngày càng nảy sinh cùng các nền tảng xã hội, làm thay đổi hoàn toàn cách công chúng tiếp cận thông tin.
Một tổ chức chuyên theo dõi các thông tin sai lệch tại Mỹ cho biết, AI đang đưa việc sản xuất và lan truyền tin giả lên một cấp độ mới, khi có thể tạo ra nội dung sai lệch về bầu cử, chiến tranh, thiên tai với tốc độ nhanh và khó phân biệt với tin thật. Kể từ giữa năm 2023, các website chứa bài viết sai sự thật
do AI tạo ra đã tăng hơn 10 lần. Một số website dùng trí tuệ nhân tạo để nhân lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài báo mỗi ngày. Thậm chí, AI đã được sử dụng nhằm tạo ra những tài khoản giả, hoạt động trên nhiều nền tảng, có thể mô phỏng các tương tác của con người, hay những video hoặc hình ảnh để dễ dàng lừa đảo hoặc tung ra những thông tin độc hại.
Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ), tin giả có thể lan truyền nhanh gấp 10 lần so với những tin bài hợp pháp và có phạm vi tiếp cận rộng hơn, sâu hơn. Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá, tác động của tình trạng thông tin sai lệch đang có xu hướng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Nó có thể làm suy yếu chất lượng dân chủ và đe dọa đến hiệu quả kinh tế của một quốc gia, gây ảnh hưởng tới sự gắn kết xã hội và lòng tin của công chúng, từ đó có thể làm trầm trọng thêm sự phân cực xã hội. Đặc biệt, trong năm 2024, tiến trình bầu cử ở nhiều quốc gia chịu tác động nặng nề bởi việc phát tán tin tức giả mạo và ngôn từ kích động thù địch.
Ông Emanuele Sapienza, Cố vấn chính sách của UNDP tại Mỹ Latinh và Caribe cảnh báo, thuật toán ưu tiên nội dung trên các nền tảng truyền thông xã hội có thể góp phần phát tán thông tin sai lệch hoặc thậm chí tái tạo sự kỳ thị và các hình thức phân biệt đối xử. Ngoài ra, các nền tảng nhắn tin được mã hóa như Twitter (hiện là X) và Telegram cũng đặt ra một thách thức bổ sung.
Cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Chủ tịch luân phiên G20 do Brazil đảm nhiệm nhằm thúc đẩy tính toàn vẹn của thông tin trong môi trường kỹ thuật số. Đây cũng là chủ đề được nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng để đẩy lùi một vấn nạn đáng lo ngại có tính chất toàn cầu về thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch.