A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hà Nội: Hướng nghiệp sớm để giảm áp lực cho học sinh lớp 9

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội luôn là “cửa ải” khó khăn đối với học sinh và phụ huynh. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp sớm cho học sinh lớp 9 là một giải pháp hiệu quả để giảm áp lực cho các em, giúp các em định hướng được nghề nghiệp tương lai phù hợp với năng lực và sở thích.

Chủ động từ gia đình

Thay vì chạy theo như những phụ huynh khác tìm thầy tốt cho con ôn luyện nhằm “săn” suất vào lớp 10 công lập, chị Phan Thị Oanh (Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) năm học này lại căn cứ vào năng lực, nhu cầu mong muốn của con để định hướng cho con học nghề cuối cấp.

Chị Oanh chia sẻ: “Nhà tôi có một xưởng cơ khí, từ nhỏ con đã tiếp xúc với nghề của bố nên rất chăm chú khi xem bố làm việc hay nghiên cứu các thiết kế mới. Những lúc rảnh, con thường xem các video chia sẻ về nghề cơ khí, công nghệ mới được áp dụng. Bởi vậy, khi tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, thay vì tạo áp lực buộc con phải thi đỗ vào một trường THPT công lập, tôi đang nghiên cứu các trường nghề hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) có nghề cơ khí để cho con tham khảo”.

Với quan điểm ấy, chị Đặng Thị Tâm (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: “Học nghề giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp tương lai phù hợp với năng lực và sở thích. Học nghề giúp học sinh được tiếp xúc trực tiếp với các công việc thực tế, từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về những yêu cầu, kỹ năng cần thiết cho từng nghề nghiệp. Điều này sẽ giúp học sinh lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân.

Học sinh được tham quan, trải nghiệm tại các xưởng để tìm hiểu ngành nghề mình yêu thích. 

“Với sức học của con vừa phải, gia đình tôi định hướng cho con sau khi tốt nghiệp THCS, ngoài thi vào các trường THPT công lập, con có thể xem xét lựa chọn một trong những phương án như trường ngoài công lập, học nghề hay đăng ký vào các trung tâm GDNN-GDTX thay vì nhất nhất phải đỗ vào công lập khiến con áp lực, ám ảnh với các kỳ và gia đình cũng căng thẳng theo trong suốt quá trình con học cuối cấp”, chị Tâm nói.

Theo chị Tâm, hiện giờ có nhiều chương trình vừa học vừa làm. Nếu con không có khả năng theo học những chương trình cho học sinh THPT thì có thể học nghề. Ở đó, các con được trang bị những kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, sớm tham gia thị trường lao động. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể sớm tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Đồng thời học nghề giúp học sinh và gia đình tiết kiệm thời gian và chi phí học tập.

Định hướng sát với nhu cầu, năng lực của học sinh

Để giảm bớt áp lực cho học sinh lớp 9 vào cuối cấp, nhiều trường THCS trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi đầu cấp. Qua đó, học trò dần định hình được nghề nghiệp cho mình, hiểu phần nào đó đặc thù mỗi nghề và từ đó xây dựng cho bản thân kế hoạch học tập sao cho phù hợp nhằm theo đuổi nghề nghiệp mình mong muốn.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm là rất quan trọng. Bởi khi các em đã có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai sẽ có động lực và quyết tâm học tập, rèn luyện để đạt được mục tiêu của mình.

Cô Phan Thị Thục Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Để hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh, tháng nào trường cũng sắp xếp thời khoá biểu dạy 1 đến 2 tiết hướng nghiệp cho học sinh với nhiều chủ đề khác nhau. Cuối học kỳ hai, nhà trường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, trường trường nghề, trung tâm GDNN- GDTX để giới thiệu về nghề nghiệp cho học trò. Bên cạnh đó, chúng tôi cho học sinh đến tận các cơ sở thực tế để trải nghiệm, tìm hiểu nhằm giúp các em hình dung được tính chất công việc mà những nghề nghiệp các học sinh đang được hướng đến”.

Cô Thục Hạnh cho biết thêm, đối với công tác hướng nghiệp, nhà trường luôn ưu tiên dựa trên sở thích, năng lực của học sinh và phối hợp với phụ huynh để định hướng cho các em. Các chủ đề hướng nghiệp chúng tôi cũng hướng đến cho học sinh sát, gần gũi.

Bên cạnh những thuận lợi, Trường THCS Phương Mai cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh như một số phụ huynh vẫn muốn con học lớp 10 công lập. Họ lo lắng nếu con em mình đi học nghề sẽ không xin được việc, không học được đại học… Như vậy, vô hình trung học sinh chịu áp lực tâm lý rất lớn trong quá trình học tập cuối cấp.

Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng trong mỗi nhà trường. Các hoạt động hướng nghiệp ấy phải cung cấp cho người học những thông tin về các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế-xã hội; tư vấn, giúp học sinh hiểu rõ về năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân; tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm thực tế các nghề nghiệp. Gia đình và các cơ quan, tổ chức liên quan cũng có vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhà trường cần phối hợp với các bên này để tạo ra một môi trường hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh như: Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về nghề nghiệp; mời các chuyên gia, người đi trước chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp; tổ chức các chuyến tham quan, thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nghề nghiệp.

Với những thông tin hữu ích được cung cấp, học sinh sẽ căn cứ vào năng lực và nhu cầu của mình để có những lựa chọn phù hợp, tiết kiệm chi phí mà hiệu quả, đồng thời giảm áp lực thi cử vào lớp 10 như thời gian vừa qua ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết