Đắk Lắk và Đắk Nông thiếu nhiều giáo viên đứng lớp
Năm học mới đã cận kề, song ngành giáo dục hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu giáo viên. Thực trạng này tồn tại nhiều năm qua, chưa thể khắc phục nhưng mỗi năm vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế.
Hàng trăm nghìn học sinh hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông sắp tựu trường, bắt đầu năm học mới 2023-2024. Ngành giáo dục đã có kế hoạch triển khai nhiệm vụ cho năm học mới. Bên cạnh nỗi lo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các địa phương này rất trăn trở về thực trạng thiếu giáo viên. Tại tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh cho biết, số lượng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh đang thiếu so với định mức quy định.
Cụ thể, toàn ngành đang thiếu 1.027 người, trong đó giáo viên thiếu 606 người, còn lại là nhân viên. Cấp giáo dục mầm non đang thiếu giáo viên nhiều nhất (213 người), tiếp đến là cấp tiểu học, THPT. Thực trạng thiếu giáo viên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các việc như: Bố trí, phân công giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, nhất là môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học; lựa chọn môn học của học sinh, trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở cấp THPT khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; sắp xếp, cử giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng và cử giáo viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuẩn theo quy định, đồng thời gây ảnh hưởng đến việc duy trì, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện.
Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. |
Nguyên nhân được lãnh đạo các cấp của tỉnh Đắk Nông chỉ ra là việc tăng dân số cơ học (lao động đến địa phương làm việc, tình trạng di dân tự do) khiến số lượng học sinh tăng mạnh. Bên cạnh đó, địa hình tỉnh Đắk Nông chia tách, dân cư thưa thớt nhưng địa phương vẫn phải duy trì các điểm trường (dù số lượng học sinh trên lớp thấp) để bảo đảm các em không bỏ học. Hằng năm, số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho ngành giáo dục không đủ để đáp ứng nhu cầu công việc. Đã vậy, địa phương vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo quy định của Trung ương khiến thực trạng thiếu giáo viên càng thêm trầm trọng. Để có giáo viên đứng lớp, thời gian qua, một số địa phương của tỉnh Đắk Nông đã thực hiện việc dạy kê, dạy thay. Tuy nhiên, việc làm này phát sinh nhiều kinh phí để chi trả giờ dạy kê, dạy thay cho giáo viên, trong khi đó, nguồn kinh phí được cấp thẩm quyền giao rất hạn hẹp.
Trước những khó khăn trên của ngành giáo dục, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT để xin giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc tỉnh; đồng thời đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 đối với tỉnh hoặc có cơ chế đặc thù đối với những tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, có địa hình đồi núi phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Không riêng tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk cũng đang “đau đầu” với bài toán thiếu giáo viên đã kéo dài nhiều năm qua. Cô Phạm Thị Mười, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cư Pui, xã Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk) cho biết: “Toàn trường có 12 điểm (gồm điểm chính và điểm lẻ) với 22 lớp và 680 học sinh. Tuy nhiên, trường chỉ có 31 giáo viên nên còn thiếu rất nhiều. Việc thiếu giáo viên khiến nhiều lớp học không thể bố trí học bán trú. Nhà trường cũng không thể huy động hết trẻ ở độ tuổi 3-4 đến trường. Vấn đề này, nhà trường đã kiến nghị cấp trên quan tâm, bố trí thêm biên chế giáo viên”. Ông Huỳnh Viết Trung, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Bông thông tin thêm: “Địa phương có 52 trường học từ cấp mầm non đến THCS và 3 nhóm trẻ tư thục. Hiện toàn huyện có 1.533 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó, giáo viên là 1.230 người. Toàn huyện đang thiếu 20 giáo viên tiểu học, 60 giáo viên mầm non. Thực trạng thiếu giáo viên ở cấp mầm non và tiểu học đã gây nhiều khó khăn cho công tác huy động trẻ mầm non và tổ chức dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học”.
Tại cuộc họp đánh giá công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã nêu khó khăn của ngành giáo dục khi thiếu giáo viên các cấp và mong muốn UBND tỉnh bố trí đủ định mức biên chế theo quy định. Tuy vậy, lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin, hiện nay, tỉnh vẫn thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương nên việc bổ sung biên chế cho ngành giáo dục rất khó khăn. Sở Nội vụ đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và ngành giáo dục tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định số lượng hợp đồng người lao động ở vị trí chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện cho các trường bố trí giáo viên dạy hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 của Chính phủ, quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, ngành giáo dục đang triển khai một số biện pháp như: Tăng cường công tác phân công giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm ở các trường thiếu biên chế so với định mức; tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên trường học được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để chuyển đổi vị trí việc làm thành giáo viên; bố trí một giáo viên có thể dạy hai trường trên cùng địa bàn; biệt phái giáo viên từ nơi trường thừa giáo viên sang trường thiếu giáo viên...