Cẩn thận với công ty mang danh tư vấn du học
Nhờ tìm hiểu thông tin trên internet, Nguyễn Thành Nam biết đến Công ty Cổ phần tư vấn du học và cung ứng nguồn nhân lực (Hitechco) tại TP Cần Thơ.
Khi đến đây, Nam được nhân viên của công ty tư vấn các thủ tục để có thể du học tại Hàn Quốc. Qua nghe tư vấn, anh đồng ý đóng 165 triệu đồng phí dịch vụ làm hồ sơ. Nhận phiếu thu tiền, Nam phấn khởi nghĩ rằng con đường du học đang rộng mở phía trước. Một tuần sau khi đóng tiền, Nam được tham gia lớp học tiếng Hàn Quốc tại một trung tâm liên kết đào tạo với công ty.
Ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN |
Khóa học kéo dài 3 tháng kết thúc, Nam chủ động liên hệ với công ty xem bao giờ thì được đi du học. Nhân viên nói rằng để xin ý kiến giám đốc. Chờ đợi một thời gian nữa nhưng vẫn chưa thấy giấy báo gọi làm các thủ tục du học tiếp theo, Nam thấy sốt ruột liền gặp trực tiếp ông Hoàng Ngọc Linh là Giám đốc công ty thì được ông này trả lời rằng sẽ bay sang Hàn Quốc để ký kết hợp đồng đưa người sang du học. Trở về nhà Nam tiếp tục đợi chờ. Số tiền anh đóng cho công ty là đi vay mượn nên hằng tháng vẫn phải chịu lãi.
Anh suy tính sang Hàn Quốc du học kết hợp làm thêm có thu nhập sẽ gửi về trả nợ. Thế nhưng mọi tính toán không như dự định, tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con khiến kinh tế gia đình thêm phần khó khăn.
Đúng hẹn, Nam quyết định đến gặp giám đốc công ty một lần nữa, nếu không đi được sẽ xin lại tiền đặt cọc. Thế nhưng khi đến nơi thì thấy công ty đóng cửa. Nam gọi cho ông Linh thì không liên lạc được. Cùng lúc đó, một số người cũng đến trước cửa công ty tìm giám đốc. Khi hỏi chuyện, tất cả mới hay đều bị ông Linh lừa với chiêu thức đóng tiền trước và hứa cho đi du học. Đến công an thành phố trình báo, Nam mới biết tin ông Linh đã bị bắt và chờ xét xử.
Tại phiên tòa sơ thẩm của thành phố, bị cáo Linh bị đưa ra xét xử với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Linh thành lập doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần và nhờ người đứng tên thành viên. Mặc dù công ty không có chức năng tư vấn du học, không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ tư vấn du học nhưng Linh vẫn nhận làm hồ sơ cho nhiều người có ý định sang Hàn Quốc du học.
Để che đậy hành vi của mình, Linh dùng nhiều thủ đoạn như lập khống phiếu thu tiền dịch vụ, thuê người dạy tiếng Hàn Quốc tại trung tâm, vẽ ra viễn cảnh sau khi du học, rồi hứa hẹn sẽ sắp xếp theo đúng thời gian đã đăng ký. Nhiều người đã tin lời hứa và nộp 100-200 triệu đồng. Số tiền Linh chiếm đoạt được lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Linh là nguy hiểm, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự tại địa phương. Tòa đã tuyên phạt bị cáo 15 năm tù và buộc bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Bị cáo trình bày số tiền chiếm đoạt được sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân, hiện gia đình không có khả năng khắc phục, bị cáo xin chấp hành án xong sẽ đi làm rồi bồi thường cho các bị hại.
Kẻ phạm pháp đã bị xử phạt còn người bị hại cũng đau xót khi tiền mất mà giấc mơ du học cũng tan biến chỉ vì nhẹ dạ cả tin đăng ký du học ở công ty không được cấp phép. Đây là bài học cho những ai có ý định đi du học hay xuất khẩu lao động, đó là phải tìm hiểu thật kỹ thông tin và nên đến những cơ quan, tổ chức tin cậy để được tư vấn.