A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Gia đình thời hiện đại và những thách thức tới hạnh phúc

Hiện nay, mô hình gia đình có nhiều thay đổi, kể cả trong cách nhìn nhận, quan điểm của từng cá nhân. Những điều đó đặt ra vấn đề và thách thức cho thế hệ trẻ trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình thời đại mới.

Nhiều mô hình gia đình mới

Tốt nghiệp đại học, Hoàng Thu Nga (trú tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) có việc làm ổn định, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Rời quê tới Hà Nội học tập từ năm 18 tuổi, nên Nga đã tự lập rất sớm. Sau 8 năm vừa làm việc, tích cóp tiền mua nhà và trải qua một số mối tình không đến đích, cô gái trẻ đã quyết định làm mẹ đơn thân.

Khó khăn không kể xiết nhưng Nga đã cố gắng vượt qua, để làm tốt vai trò của cả người cha và mẹ với con, giúp con có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nga chia sẻ: “Sau vài mối tình, thậm chí từng “sống thử” với một người đàn ông rồi nhưng không hợp nhau nên mình quyết tâm làm mẹ đơn thân. Mình không hối hận khi chọn con đường này”.

Gia đình trẻ hạnh phúc

Một gia đình trẻ hạnh phúc

Theo cô, trong xã hội truyền thống, người phụ nữ không lấy chồng mà có con thường phải chịu sự lên án gay gắt của gia đình và cộng đồng nhưng hiện nay, phụ nữ hiện đại ngày càng tự chủ về kinh tế, công việc, không ít người chọn giải pháp làm mẹ đơn thân. Họ muốn sắp xếp cuộc đời theo ý mình.

Trường hợp của Hoàng Thu Nga là một ví dụ cho sự thay đổi của mô hình gia đình trong thời đại hiện nay. Nếu trước đây, gia đình thông thường (có bố mẹ cùng là người Việt, có hôn thú...) chiếm đại đa số, thì ngày nay mô hình gia đình đa dạng hơn nhiều: Gia đình truyền thống (gia đình 3 thế hệ trở lên cùng chung sống); gia đình hạt nhân (bố mẹ và con); gia đình không có con; gia đình ly hôn; gia đình đa huyết thống; gia đình đồng tính…

Mái ấm là nền móng yêu thương

Gia đình chị Nguyễn Lan Anh (trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) cũng có đặc thù. Khi con trai của chị lên đại học đã xin ra ở riêng, gần trường cho tiện việc học hành. Theo đó, hiện nay, chị Lan Anh và chồng sống ở quận Tây Hồ, còn con trai của chị ở trọ tại quận Hà Đông.

Chị Lan Anh cho hay: “Phải đến khi con học năm thứ 2 đại học, tôi mới đồng ý cho ra ở trọ riêng. Dù tôi phân tích rằng ở nhà để bố mẹ an tâm hơn nhưng thằng bé vẫn mong muốn được tự do. Nghĩ rằng, con trẻ cũng cần phải có những trải nghiệm riêng nên tôi cho con đi ở trọ”.

Bạn Nguyễn Lê Minh (con trai chị Lan Anh) chia sẻ, dù ở nhà với bố mẹ khang trang đủ tiện nghi sinh hoạt, cũng như không gian riêng, được ăn cơm mẹ nấu… nhưng cậu vẫn cảm thấy cuộc sống của mình thiếu đi một trải nghiệm thực sự.

“Mình rất áy náy khi có những tối đi về muộn, bố mẹ thức khuya chờ khiến mình cũng rất lo. Để chấm dứt cho nỗi lo từ hai bên, mình nghĩ phương án ra ở riêng là lựa chọn tốt nhất. Tất nhiên, mình vẫn về thăm bố mẹ thường xuyên và vào những dịp quan trọng vì mình vẫn luôn muốn dành thời gian ở cùng bố mẹ", Minh bày tỏ.

Dù chủ động ra ngoài sống tự lập nhưng Nguyễn Lê Minh luôn nhớ rằng, gia đình cùng với mái nhà ấm êm là nền móng để cậu cũng như mỗi người trưởng thành. Bố mẹ là những người dìu dắt các con trong cuộc sống; là người dạy cách sống tốt, cách yêu thương và giúp đỡ xã hội…

Trong thời đại hiện nay có rất nhiều thách thức đặt ra cho cuộc sống hôn nhân, gia đình

Trong thời đại hiện nay có rất nhiều thách thức đặt ra cho cuộc sống hôn nhân, gia đình

Đừng để cho bếp nguội lạnh

Anh Lưu Văn Hưng (trú tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) cho biết, dù vợ chồng anh sống ở chung cư, có gian bếp rộng rãi và đủ dụng cụ nấu nướng, song bếp núc nhà anh cũng ít khi đỏ lửa, bởi hai vợ chồng là nhân viên văn phòng đi làm cả ngày mới về, nên lười nấu cơm, chọn ăn ngoài hàng. Anh nhận thấy, nhiều gia đình trẻ như vợ chồng anh cũng ít khi nấu bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, anh Hưng cũng thừa nhận, rất mong muốn được ăn cơm tại nhà, được có cả vợ, chồng, con cùng quây quần bên mâm cơm mỗi tối.

Theo cô Nguyễn Ngọc Huệ (65 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) - người mẹ, người bà, người vợ đã có một gia đình hạnh phúc: Bữa cơm gia đình luôn mang giá trị tinh thần quan trọng trong tiềm thức mỗi người. Đó không chỉ đơn giản là ăn trưa hay ăn tối, mà còn là khoảnh khắc để chia sẻ, chăm sóc, thư giãn, tận hưởng không khí ấm áp… cùng xây dựng hạnh phúc.

Các chuyên gia tâm lý đều khuyên rằng: “Đừng để cho bếp nguội lạnh” nếu muốn giữ lửa hạnh phúc gia đình. Chúng ta cũng đừng làm một bữa ăn qua loa, người này đứng dậy, một lát sau người khác ngồi xuống. Những người vợ, người mẹ hoàn toàn có thể sắp xếp được bữa ăn gia đình hợp lý. Đó là cách giữ lửa trong hôn nhân cũng như duy trì hạnh phúc.

Dù xã hội hiện đại đến đâu chăng nữa nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp, mà cụ thể là bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong mọi thời điểm. Chúng ta hãy trân trọng và biết tận dụng sức mạnh tuyệt vời của bữa cơm gia đình, để nó là ngọn lửa sưởi ấm trong giữ gìn hạnh phúc gia đình, cũng như chắp cánh cho những ước mơ bay cao, nuôi dưỡng tâm hồn của các thành viên trong đại gia đình.

Trong một chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đã chia sẻ 3 yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình, đó là chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ tài chính, chia sẻ cảm xúc.

Ông Đinh Đoàn nhấn mạnh, việc các cặp vợ chồng phải chủ động nói ra cảm xúc của mình, không chờ đợi, không yêu cầu đối phương phải tự dò tìm, phỏng đoán. Thực tế tại nhiều gia đình cho thấy, việc không chia sẻ cảm xúc khiến các thành viên trong gia đình dần trở nên xa cách, nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải được, thậm chí còn căng thẳng hơn...

 

Ngày Quốc tế Gia đình 15/5:

Ngày Quốc tế Gia đình 15/5:
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết