A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quản lý du lịch mạo hiểm

Vừa qua liên tục xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến du lịch mạo hiểm: Ngày 29-10, một nam du khách quốc tế bị mắc kẹt tại thác nước cao trên suối Mơ Khe Răm (nơi địa hình vô cùng hiểm trở thuộc địa bàn huyện Hòa Vang) may mắn được cứu nạn thành công; ngày 26-10, một nữ du khách nước ngoài thiệt mạng do trượt ngã khi trèo lên mỏm đá ở khu vực đỉnh Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) để chụp ảnh; đặc biệt, chiều 24-10, lũ quét bất ngờ xuất hiện đã cuốn trôi xe UAZ chở khách đi du lịch trên suối cạn tại Khu du lịch làng Cù Lần cũng ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, làm 4 du khách Hàn Quốc tử vong...

Du lịch mạo hiểm là loại hình được ưa chuộng trên thế giới, đang phát triển rất nhanh, mang lại lợi nhuận lớn. Theo các chuyên gia, nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm, song vì chưa có sự quản lý chặt chẽ cùng với việc loại hình du lịch này phát triển quá “nóng", một số nơi chưa chú trọng làm tốt công tác bảo đảm an toàn nên nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Thực tế những vụ việc gần đây cho thấy, nguyên nhân gây mất an toàn chủ yếu là do du khách đi tự phát, không có tổ chức, không tuân thủ chặt chẽ các quy định; tại một số điểm du lịch mạo hiểm, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa sâu sát kiểm tra, còn tâm lý không muốn “quản chặt” vì sợ du khách “phật ý”, ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương...

Cứu hộ du khách nước ngoài bị mắc kẹt ở thác nước hiểm trở trên suối Mơ Khe Răm, ngày 29-10-2023.

Chúng ta không thể từ một vài vụ việc rủi ro mà kìm hãm hoặc cấm đoán du lịch mạo hiểm. Song, việc đưa ra các quy định chặt chẽ, cụ thể để quản lý hiệu quả và phát triển loại hình này một cách bài bản, bền vững là hết sức cần thiết. Trước hết, cơ quan chức năng cần quy định rõ tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho từng loại hình du lịch mạo hiểm; tăng cường kiểm tra thiết bị, công tác bảo đảm an toàn và quy trình đào tạo hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, kết hợp giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện.

Các địa phương có tiềm năng phát triển loại hình du lịch mạo hiểm cần tổ chức khảo sát để quy hoạch khoa học, đầu tư bài bản, hướng dẫn cụ thể việc khai thác cho các doanh nghiệp, cá nhân, tránh để người dân hoạt động theo kiểu tự phát, tư duy “chộp giật”. Đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm phải được xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, bảo đảm đủ năng lực, điều kiện, cam kết tuân thủ các quy định an toàn. Trước khi phục vụ du khách, phải cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ để họ nắm được yếu tố rủi ro, từ đó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cùng với các biện pháp trên, mỗi du khách khi quyết định tham gia loại hình du lịch mạo hiểm cần tìm hiểu kỹ thông tin địa hình, các điều kiện, yếu tố liên quan, kiểm tra kỹ các vật dụng bảo đảm an toàn mang theo, chuẩn bị tốt sức khỏe, tâm lý, kỹ năng thực hiện để giữ an toàn cho bản thân. Đồng thời, phải tuyệt đối tuân thủ quy định của ban quản lý và hướng dẫn, khuyến cáo của hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ; tuyệt đối không chủ quan, ngẫu hứng, chỉ vì ham muốn, sở thích bản thân mà bất tuân các quy định, gây nguy hiểm cho chính mình và làm liên lụy đến những người khác.


Tags: du lịch
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết