A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cán đích sớm, du lịch Việt nâng cao mục tiêu đón 12,5 - 13 triệu lượt khách quốc tế

Sau khi hoàn thành kế hoạch của cả năm chỉ trong 3 quý, mới đây, ngành Du lịch đã quyết định nâng mục tiêu cả năm lên 12,5 - 13 triệu lượt khách.

Article thumbnail
Ngành Du lịch đang tăng tốc xúc tiến, quảng bá để nâng cao mục tiêu đón khách quốc tế. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Nâng mục tiêu đón khách quốc tế

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, chỉ trong 9 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã vượt qua mục tiêu khách quốc tế của cả năm 2023 là đạt 8 triệu lượt khách.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, những tháng còn lại của năm 2023, mỗi tháng ít nhất chúng ta có thể đón 1,1 đến 1,2 triệu lượt khách quốc tế, nhất là trong tháng 12, vào dịp Giáng sinh và năm mới. "Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ trưởng, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ để thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 - 13 triệu lượt khách cả năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch ban đầu", ông Việt nói.

Việc Việt Nam điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 là phù hợp với tình hình thực tế và góp phần thúc đẩy hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch.

Đồng thời, mục tiêu đón du khách năm 2023 được nâng lên có thể sớm tạo động lực cho các doanh nghiệp tăng tốc trong thu hút khách ngoại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng, các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thuận lợi hơn về visa...

Tăng tốc “chạy nước rút”

Theo các chuyên gia du lịch, đây là mục tiêu khả thi, hoàn toàn có thể đạt được khi mà mùa cao điểm đón khách quốc tế mới chỉ bắt đầu. Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời điểm khách nước ngoài đến Việt Nam đông nhất vì họ rất thích mùa Thu và mùa Xuân ở Việt Nam. Vì thế, từ giờ đến cuối năm và sang đến đầu năm sau, lượng khách quốc tế sẽ ngày càng tăng trưởng. Ba tháng cuối năm, kỳ vọng ngành Du lịch sẽ đón được khoảng 4 triệu lượt khách nữa, kịp hoàn thành mục tiêu mới trước khi kết thúc năm 2023.

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp du lịch đã có những đoàn khách đăng ký sang Việt Nam từ cuối tháng 10 và rải rác trong hai tháng còn lại.

Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour cho rằng, quý IV hàng năm là mùa cao điểm đón khách inbout (khách vào Việt Nam), cộng với xu hướng du lịch trên thế giới phục hồi tốt nên con số 13 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn khả thi và phù hợp. Hiện Vietluxtour đã có nhiều tour vào ba tháng cuối năm phục vụ khách quốc tế. Chúng tôi dự báo những ngày tới, lượng khách còn tiếp tục tăng.

Theo thống kê, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2023 với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách).

Thị trường Trung Quốc đã vượt mốc 1 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2.

Đài Loan (Trung Quốc) vượt qua Mỹ để chiếm vị trí thứ 3 với 575 nghìn lượt. Mỹ xếp thứ 4 với 548 nghìn lượt. Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với 414 nghìn lượt.

Một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96,4%) Hàn Quốc (82,3%), Đài Loan (85,3%).

Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu: Đức phục hồi tốt nhất với 87,1%; Tây Ban Nha đạt 82,4%; Anh đạt 78,9%; thấp hơn một chút là Italia (76,7%); Pháp (71,9%).

Dù vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỉ lệ phục hồi 28,2%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn mở rộng việc đón khách, nhất là khách quốc tế. Hầu hết doanh nghiệp luôn sẵn sàng triển khai các kế hoạch đón khách, hy vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục mở rộng các thị trường mới để thu hút thêm nhiều khách.

Để đạt được cũng như vượt xa hơn nữa mục tiêu mới đề ra, bên cạnh những công việc đang làm, ngành Du lịch cần chú trọng hơn nữa việc truyền thông, quảng bá về những chính sách mới để tạo hiệu ứng giúp tiếp cận thị trường mới.

Xúc tiến, quảng bá thu hút khách quốc tế

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong quý IV với chính sách cởi mở và thời tiết thuận lợi hơn các nước khác thì Việt Nam vẫn thu hút được khách quốc tế. Du lịch sẽ là điểm sáng và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để nâng mục tiêu đón khách quốc tế lên 13 triệu lượt khách, khi 9 tháng đạt 8,8 triệu lượt thì bình quân mỗi tháng sẽ cần đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế. Đặt mục tiêu để phấn đấu khi có cơ sở như thế là rất tốt nhưng thực tế số khách du lịch đạt được hiện nay mới chỉ bằng khoảng 69% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19.

Vì thế, ngành Du lịch cần thêm những biện pháp, chính sách tháo gỡ bất cập, trong khi câu chuyện về thị thực, visa chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Khách quốc tế vào Việt Nam thường sẽ xem môi trường du lịch có thuận lợi không, có những điểm thu hút không hay các giá trị văn hóa có gì độc đáo? Nếu khách vào Việt Nam du lịch mà thời gian ở lại thì ngắn, không có nhiều dịch vụ để chi tiêu hay trong nhiều trường hợp an ninh xã hội chưa thật sự tốt thì khách đến một lần họ sẽ không quay lại nữa.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu cho biết, trong 3 tháng cuối năm, ngành Du lịch sẽ tập trung, đi sâu vào các giải pháp để thu hút khách quốc tế. Cục Du lịch quốc gia sẽ tham mưu để tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong xúc tiến, quảng bá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt là ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết