Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa
Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), sáng 8/10, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa tổ chức trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa”.
Dấu ấn văn hoá đặc sắc
Trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa” đã được Ban Tổ chức chắt lọc tư liệu, hình ảnh từ những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, các sưu tập ảnh tư nhân... Sự kiện nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế về các dấu ấn lịch sử và văn hóa của Khu di tích Cổ Loa.
Sự kiện giới thiệu 100 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề: "Miền đất của người Việt cổ", "Cổ Loa - Kinh thành, Quân thành, Thị thành" và "Không gian văn hóa đặc sắc".
Các đại biểu tham quan những dấu ấn lịch sử và văn hoá tại buổi trưng bày |
Tại chủ đề Miền đất người Việt Cổ, Ban Tổ chức đã giới thiệu các dấu vết vật chất hiện còn ở Cổ Loa, minh chứng cho một tiến trình phát triển lâu dài, liên tục qua các giai đoạn văn hóa khảo cổ: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - đến đỉnh cao Đông Sơn với sự hình thành nhà nước Âu Lạc (thế kỷ III – II TCN). Lớp cư dân đầu tiên định cư ở Cổ Loa đã mở rộng địa bàn, đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, thủ công nghiệp và hoàn thiện kỹ thuật luyện kim, tạo bước ngoặt phát triển kinh tế - xã hội.
Ở Chủ đề Cổ Loa - Kinh thành, Quân thành, Thị thành, người tham quan sẽ được giới thiệu những chức năng nổi bật của Cổ Loa thời kỳ nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương, nơi ở của vua và hoàng gia, các quan văn võ, quân đội ở và dân chúng.
Các vật liệu kiến trúc phát hiện được trong khu vực thành Nội cho phép hình dung các quy mô kiến trúc lớn dạng cung điện, lầu gác của triều đình đã được xây dựng.
Lễ cắt băng khai mạc Trưng bày Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hoá |
Qua các di tích cho thấy, Cổ Loa là thị thành với trung tâm kinh tế có nghề luyện kim cùng nền nông nghiệp phát triển, đã dùng lưỡi cày đồng, trâu bò làm sức kéo, cho năng suất cao. Cùng với hệ thống mạng lưới sông ngòi dày đặc là tuyến đường giao thông, giao thương phồn thịnh giữa cư dân Cổ Loa với các vùng khác.
Với Không gian văn hóa đặc sắc, khách tham quan sẽ được cảm nhận về Cổ Loa - khu vực cư trú truyền thống của người Việt cổ, cùng các thế hệ người Việt trải qua hàng nghìn năm, vẫn bảo tồn và gìn giữ được cảnh quan, hình thái của làng Việt truyền thống, cùng các sinh hoạt văn hóa, truyền thuyết dân gian, phong tục, tập quán, tôn giáo... hòa quyện lại, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc của Cổ Loa.
TS. Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho biết: "Thành Cổ loa có lịch sử lâu đời, trước hết là trung tâm cư trú của người Việt cổ, có lịch sử phát triển từ thời văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Như vậy trước khi trở thành kinh đô, nơi đây đã là trung tâm cư trú của người Việt cổ nhiều năm trước. Bên cạnh đó, đây là khu vực bán sơn địa, tiếp giáp với đồng bằng, trung du miền núi và ở gần lưu vực các sông Hoàng, sông Hồng… Quy luật hình thành các đô thị cổ phần lớp ở khu vực ngã ba sông. Như vậy Cổ Loa trở thành khu vực trọng yếu của người Việt từ rất sớm do có vị trí đặc biệt. Kinh đô Âu lạc đã có dấu vết trên mặt đất, những công trình nghiên cứu về Cổ Loa trong nhiều năm qua, các học giả Việt Nam đã khẳng định Cổ Loa là trung tâm văn hoá, kinh tế, là kinh đô cổ có người Việt cư trú rất sớm, gắn liền với đó là di tích đình, đền, chùa, thành đất… Có thể nói, đây là Thành cổ đặc biệt, xứng đáng để chúng ta nghiên cứu, đề xuất với Unesco công nhận là di sản văn hoá nhân loại. Trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn văn hoá, lịch sử” đã hệ thống được kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học về Cổ Loa, tôi đánh giá cao hệ thống trưng bày này. Nếu như quảng bá được để nhiều người dân biết đến, họ sẽ hiểu thêm về vùng đất Cổ Loa, có một truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, là kinh đô cổ quốc gia". |
Khách tham quan triển lãm |
Cần bảo tồn và phát huy di sản
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hoá Thăng Long, Hà Nội cho biết:
“Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, Thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc, như vua An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy bắn hạ hàng trăm tên giặc, Ngô Quyền xưng Vương, chọn Cổ Loa làm kinh đô, hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy; Cổ Loa còn là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống giặc ngoại xâm.
Ngày nay, Cổ Loa là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương mong muốn khám phá những giá trị văn hóa, hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đối với người dân nơi đây, thành Cổ Loa luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.
Trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa” sẽ mang đến cho du khách trong nước và quốc tế một cái nhìn sâu sắc về các dấu ấn lịch sử và văn hóa của Khu di tích Cổ Loa. Thông qua trưng bày này, chúng tôi mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đề cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương và du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hoá Thăng Long, Hà Nội phát biểu tại chương trình |
Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử quý giá của Thủ đô và dân tộc, đã nhiều lần được chọn làm kinh đô của nước Việt (thời kỳ An Dương Vương thế kỷ III trước Công nguyên, thời Hậu Lý Nam Đế thế kỷ VI và thời kỳ Ngô Quyền thế kỷ X). Khoảng hơn 2.000 năm về trước, mảnh đất Cổ Loa đã được những người anh hùng vừa chiến thắng hàng chục vạn quân xâm lược Tần hung bạo chọn làm đất dựng đô, mở cơ đồ Âu Lạc, thúc đẩy nền văn hóa Đông Sơn, nền văn minh lúa nước phát triển lên tới đỉnh cao. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học qua nhiều thời kỳ trong lòng đất đã khẳng định rằng: Cổ Loa là một trong những di tích hiếm hoi, chứng kiến quá trình phát sinh, phát triển của nền “văn minh sông Hồng”.
Thành Cổ Loa với ba chức năng Kinh thành, Quân thành và Thị thành, đồng thời là kết tinh, hội tụ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cả mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trưng bày Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hoá” mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 8/10, tại Nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa, thôn Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Bên lề chương trình, ông Ngô Hữu Minh, Phó Chủ tích Hội đồng Họ Ngô Việt Nam, phụ trách về nghiên cứu khoa học lịch sử chia sẻ: “Thành Cổ Loa được xây dựng, đánh dấu 1 tiến triển trong quá trình phát triển lịch sử Việt Nam. Chúng ta di chuyển Thủ đô, từ miền Trung du về khu vực đồng bằng, ở một địa thế rất thuận lợi về kinh tế, đô thị và quân sự. Thành Cổ loa được hình thành cách đây hơn 2 nghìn năm và có nhiều dấn ấn lịch sử khi thục phán An Dương Vương đóng đô tại đây, hơn 1.000 năm sau, Ngô quyền bằng chiến thắng Bạch Đằng giang để nối lại quốc thống về đây đóng đô xưng vương xây dựng một nhà nước Việt Nam độc lập so với phong kiến phương Bắc. Đó là một ý nghĩa hết sức lớn lao, giải phóng dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Toà thành đó trải quá nhiều biến cố về văn hoá lịch sử nhưng đến nay nó vẫn còn in đậm trong tâm thức của người Việt. Nhiệm vụ nghiên cứu và làm sáng tỏ những dấu tích lịch sử văn hoá của toà thành này còn ở phía trước rất nặng nề đối với các nhà khoa học, đây cũng là thử thách lớn với người con dân Việt. Chương trình cũng là sự tri ân của chúng ta hôm nay với tổ tiên người Việt. Đồng thời chương trình cũng nhắc nhở chúng ta rằng, hãy làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu giá trị văn hoá lịch sử của Thành Cổ Loa để xứng đáng với tầm di tích lịch sử quốc gia và di sản văn hoá thế giới sau này”. |