A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cảnh giác nguy cơ “dịch chồng dịch” tại Hà Nội

Bên cạnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường, người dân tại Hà Nội cần cảnh giác các bệnh truyền nhiễm hay gặp khác trong mùa thu như cúm A, cúm B, sốt xuất huyết Dengue, virus hợp bào hô hấp (RSV) hay bệnh chân tay miệng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC trong tuần đầu tháng 8, ghi nhận 4.846 ca xét nghiệm cúm, trong đó có 1.455 ca cúm A (chiếm 30%), cúm B là 156 ca (chiếm 3,2%). So với cùng kỳ tháng 7, số lượng người xét nghiệm cúm tăng 467% và phát hiện cúm A tăng 144%. Bên cạnh bệnh cúm gia tăng, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng tăng.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa MEDLATEC khám bệnh cho bệnh nhi. Ảnh: Ngô Thu.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Thủy, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC cho biết, cúm là bệnh truyền nhiễm hay gặp ở mùa đông xuân, nhưng năm nay cúm A xuất hiện bất thường trong mùa hè, mùa thu. Tại Khoa Nhi đã ghi nhận những trẻ đến khám do sốt. Sau đó, bác sĩ dựa vào biểu hiện lâm sàng… cộng với yếu tố dịch tễ để đưa ra chỉ định phù hợp cho từng bệnh nhi. Kết quả chẩn đoán trẻ mắc bệnh rất đa dạng, đó không chỉ là bệnh cúm, mà còn ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết, Covid-19, sốt virus thông thường. Thậm chí nếu kèm thêm khò khè thì lưu ý nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV ở trẻ nhỏ, hen phế quản ở trẻ lớn, hoặc nếu xuất hiện mụn tay chân thì lưu ý bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra, bác sĩ Thủy lưu ý, sốt cũng có thể biểu hiện trong các trường hợp nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phế quản phổi, tiêu chảy nhiễm khuẩn.

Như vậy, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Nhất là thời điểm hiện nay mưa nắng thất thường, lượng người dân di chuyển trong mùa du lịch tăng cao, cộng với việc tập trung nơi đông người ở siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, hay việc trẻ quay bắt đầu đi học hè trở lại, đặc biệt là ngày tựu trường tới đây càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Do đa số các bệnh truyền nhiễm (trừ cúm, Covid-19) hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng.

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lý truyền nhiễm, Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Thủy khuyên người dân nên ăn uống hợp vệ sinh, bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ; tránh tập trung nơi đông người, nếu đến nơi đông người; tiêm vắc xin phòng bệnh như vắc xin cúm, Covid-19.

THÁI SƠN


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết