A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đặc hữu, quý hiếm

Nguồn gen được coi là tài sản quốc gia, là vật liệu di truyền cho chọn tạo giống sinh vật, nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế-xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh. Do đó, việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen là nhiệm vụ có tính chiến lược và cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Đã bảo tồn hơn 80.000 nguồn gen đặc hữu, quý hiếm

Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới về các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật, trong đó nhiều loài (chiếm khoảng 6,5% số loài có trên thế giới) có giá trị sử dụng cao trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Thống kê hiện nay, Việt Nam có khoảng 62.600 loài sinh vật đã được xác định, trong đó hơn 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và hơn 11.000 loài sinh vật biển... Trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn và ngày càng tác động tiêu cực, gây xói mòn, mất mát tài nguyên di truyền, vì thế vấn đề bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững nguồn gen càng trở nên cấp thiết.

Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) kiểm tra các tổ ong để phục vụ công tác bảo tồn động vật. 

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình) và giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, Chương trình đã bảo tồn, lưu giữ được hơn 80.000 nguồn gen đặc hữu, quý hiếm (bao gồm cả nguồn gen địa phương của Việt Nam và nguồn gen nhập từ bên ngoài). Đây là nguồn vật liệu vô cùng quý, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn, giá trị cao hơn.

Qua Chương trình, nhiều nguồn gen đã được đánh giá ban đầu, được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như: Sâm Ngọc Linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương... góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Đối tượng của Chương trình là các nguồn gen sinh vật sống nên công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục. Vì vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý để tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, không để gián đoạn là vấn đề cấp thiết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình còn một số hạn chế như việc đầu tư các dự án nâng cấp ngân hàng gen cây trồng quốc gia, trung tâm nguồn gen vật nuôi quốc gia, trung tâm nguồn gen thủy sản quốc gia, dự án xây dựng vườn thực vật quốc gia còn chậm triển khai. Một số đơn vị còn chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao. Các đơn vị nghiên cứu cũng đang từng bước thực hiện việc tự chủ, khó có thể thu hút, khích lệ cán bộ có kinh nghiệm cống hiến cho nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu quỹ gen nói riêng.

Xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về nguồn gen

GS, TS Chu Hoàng Hà, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, theo xu hướng hiện nay, Việt Nam hướng tới thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên nền tảng sinh học, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho thấy tầm quan trọng và vai trò của nguồn gen bản địa trong phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, triển khai Chương trình cần tiếp tục ưu tiên phát triển nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về nguồn gen (số hóa gen theo chuẩn quốc tế, duy trì bảo tồn, đăng ký sở hữu trí tuệ...) kết hợp với nghiên cứu truyền thống trên các nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật.

Các chuyên gia đề xuất củng cố, phát triển mạng lưới tổ chức bảo tồn gen; lồng ghép chính sách bảo tồn gen với các chính sách về phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu, bảo tồn gen; tăng cường thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen; đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần khai thác và phát triển nhanh, mạnh các nguồn gen có giá trị kinh tế thành sản phẩm thương mại, các nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào bộ giống quốc gia tạo ra một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Một số vấn đề đang được nhiều chuyên gia đề xuất là Việt Nam cần chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về nguồn gen thống nhất trong toàn quốc; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn nguồn gen; hoàn thiện khung pháp lý về bảo tồn nguồn gen. Cũng cần đẩy mạnh hợp tác trong nước (đặc biệt là trong mạng lưới các tổ chức bảo tồn gen), hợp tác quốc tế về công tác quỹ gen, tăng cường trao đổi nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế, y tế và khoa học.

Bài và ảnh: LA DUY


Tags: nguồn gen
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết