A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong “mùa cưới”

“Mùa cưới” vào những tháng cuối năm cũng là thời điểm vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc tại bữa cỗ tập trung đông người được đặc biệt chú trọng để ngày vui thêm trọn vẹn, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong “mùa cưới” trên địa bàn Hà Nội đã được nâng lên rõ rệt.

attp.jpg

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một khách sạn ở quận Ba Đình. Ảnh: Lộc Xuân

Những chuyển biến tích cực

Thông thường, để chuẩn bị cho bữa cỗ có sự tham gia của nhiều người, một số loại thực phẩm thường được chế biến trước đó từ 5 đến 12 giờ nên dễ ôi, thiu. Mặt khác, vị trí chế biến thực phẩm cũng chưa phù hợp, nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ… kéo theo nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Chẳng hạn, nhiều gia đình ở nông thôn thường quây bạt, bày cỗ ở gần chuồng nuôi gia súc, gia cầm, hồ, ao hay bãi đất trống trong vườn; thiếu dụng cụ che đậy, nguồn nước chế biến thực phẩm không bảo đảm… Còn ở đô thị, khi tổ chức đám cưới, hầu hết các gia đình đều đặt cỗ ở nhà hàng, khách sạn hoặc thuê người nấu cỗ. Những người nấu cỗ thuê chủ yếu làm theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, có nơi còn tận dụng vỉa hè, lòng đường, nơi có mật độ phương tiện giao thông đông đúc, bụi bặm… làm khu vực chế biến thực phẩm cho cỗ cưới. Đặc biệt, nguồn thực phẩm đầu vào ở nhiều đám cưới chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là thịt gia súc, gia cầm, các loại rau, củ, quả, chất phụ gia...

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn tại các bữa cỗ, bếp ăn tập thể đều liên quan đến thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, thiếu phương tiện che đậy, bảo quản sau chế biến khiến thực phẩm bị nhiễm độc, không bảo đảm an toàn...

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, với các bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Đơn cử như việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu.

Trước thực tế đó, để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại hai huyện: Thanh Oai và Phú Xuyên. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng đến 440 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn kiểm tra đã giám sát, tư vấn hơn 20 nghìn bữa cỗ, đồng thời hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người. Đặc biệt, tại các gia đình có tổ chức cỗ đã ký cam kết về an toàn thực phẩm đạt 100%.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong đánh giá, việc triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người là rất cần thiết nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng. Sau khi thành phố Hà Nội triển khai mô hình này và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Các gia đình có tổ chức tiệc, cỗ đã được nâng cao nhận thức, kỹ năng, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Phát huy hơn nữa hiệu quả đạt được

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm ở bữa cỗ tập trung đông người cho thấy, thời gian đầu, nhận thức của người dân về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Do đó, việc tư vấn cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều gia đình thực hiện kiểu đối phó, không ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa cỗ đông người… Thế nhưng, nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhận thức của người dân dần được nâng lên.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, cần có sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng và cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở. Thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp tập huấn an toàn thực phẩm cho cán bộ của các tổ giám sát tư vấn điều kiện an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Cùng với đó, để người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bữa cỗ đông người, cần tăng cường tuyên truyền tại cộng đồng, phổ biến kiến thức về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đến người dân.

Khi ngộ độc thực phẩm vẫn là thực trạng đáng lo ngại thì việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người là mô hình hay cần nhân rộng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu, chủ động mời cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn, tư vấn khi nhà có cỗ… Từ đó, giúp mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn và nhân rộng tới 100% các địa phương trên địa bàn toàn thành phố.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết