A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

“Con chữ” nơi vùng khó Háng Á

“Em xòe tay ra/ Xinh như hoa nở/ Như hai trang vở/ Em vẽ em tô...”. 7 giờ sáng, khi mặt trời vừa ló dạng trên những nếp nhà sàn thì cô trò tại điểm trường Háng Á, Trường Mầm non Hoa Huệ đã râm ran đọc những bài thơ đầu giờ. Không quản khó khăn, vất vả, những thầy, cô giáo vùng cao, vùng khó luôn sẵn sàng hy sinh thầm lặng, tận hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Trường Mầm non Hoa Huệ thuộc xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Trường có 1 điểm trường trung tâm Trống Là và 4 điểm trường lẻ: Háng Á, Háng Đề Chu, Trống Gầu Bua, Trống Trở với 246 học sinh và 23 cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường.

Theo sự giới thiệu của cô Bàn Thị Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Huệ, chúng tôi đến thăm điểm trường Háng Á trên địa bàn bản Háng Á nằm cách điểm trường trung tâm hơn 15km. Điểm trường có 2 lớp học ghép, lớp nhỡ từ 3-4 tuổi và lớp lớn từ 4-5 tuổi, đa phần các em đều là người dân tộc Mông sinh sống tại bản Háng Á.

 

Tiết học ngoài trời thú vị của cô và trò điểm trường Háng Á.

Chia sẻ về những khó khăn, cô Quỳnh cho biết: “Ở các trường vùng cao nói chung, điểm trường Háng Á nói riêng, chúng tôi đều thiếu thốn về cơ sở vật chất và môi trường sinh hoạt. Điển hình là cơ sở vật chất lớp học, giáo cụ chưa được đồng bộ, nhiều danh mục thiết bị, đồ dùng còn thiếu thốn. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt, nguy hiểm, các cô giáo ở xa đều phải “cắm bản”, ngủ tại lớp học nhưng hiện tại nhà trường chưa có nhà công vụ, bếp ăn, nhà vệ sinh.... Đặc biệt, tại điểm trường Háng Á chưa có điện lưới quốc gia và sóng điện thoại, Internet chỉ mới có gần đây”.

Khó khăn là vậy nhưng bằng tình yêu thương trẻ, gần 10 năm qua, cô Tòng Thị Thắm vẫn ngày đêm miệt mài gieo chữ tại điểm trường Háng Á. Cô nhớ lại những ngày mới lên điểm trường vô cùng vất vả, đường đèo và bùn lầy phải quấn xích vào bánh xe chống trơn trượt. Có lần đường trơn chỉ đành nhìn xe tự trôi vì không giữ nổi, nhưng chưa một lần cô sợ khổ, vẫn đều đặn từng ngày đi hơn 30km từ nhà tại huyện Than Uyên (Lai Châu) sang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) để dạy học.

leftcenterrightdel
Con đường đất đá dẫn tới điểm trường Háng Á. 
leftcenterrightdel
Những tiết học kể chuyện giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. 

Cô Tòng Thị Thắm chia sẻ: “Đường núi xa xôi hay yếu tố thời tiết chưa bao giờ là rào cản lớn nhất mà khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ giữa trẻ và giáo viên. Tôi là người dân tộc Thái, học sinh là người dân tộc Mông, các con chỉ hiểu tiếng Mông, rất ít bạn nghe hiểu tiếng phổ thông. Những ngày đầu mới về dạy học tôi chỉ có thể nhìn hành động để đoán nhu cầu của các con. Vì vậy, quyết tâm học tiếng Mông để giao tiếp với trẻ, tôi chuyển vào trong bản cùng ăn, cùng ở, cùng giao tiếp với bà con. Khi đã học được tiếng Mông quay trở lại trường, tôi thường xuyên thực hành giao tiếp “song ngữ” tiếng Mông và tiếng phổ thông với trẻ. Để trẻ học ngôn ngữ nhanh hơn, nhà trường cũng đã tăng cường những tiết kể chuyện, đọc thơ... trẻ được nhìn hình ảnh trên giấy và thực hành kể lại câu chuyện đã nghe”.

Từ đầu tháng 12-2024, những tiết học giao tiếp của cô và trò ở điểm trường Háng Á trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết bởi giờ đây, trường đã có sóng di động, Internet. “Tôi đã không còn phải leo lên đỉnh đồi cách trường 3km để hứng sóng. Trước đây, một bài thơ hay một bài hát cũng phải chờ tải cả giờ đồng hồ, khi quay trở về trường thì trời cũng đã chập choạng tối. Giờ đây, chỉ bằng cú nhấp chuột, chúng tôi có thể tải cả một kho tàng kiến thức để phục vụ trong bài giảng. Lớp học sẽ không còn giới hạn của bốn bức tường và trên những giấy đã cũ do ẩm mốc. Những tiết học hay, hình ảnh, âm thanh sinh động, các em học sinh trở nên hứng thú hơn, đi học đầy đủ hơn. Đến nay, điểm trường Háng Á có hơn 50 học sinh, tỷ lệ huy động các em ra lớp trong độ tuổi từ 3-5 tuổi đạt 100%”, cô Thắm chia sẻ.

leftcenterrightdel
Cô Tòng Thị Thắm đưa bài giảng điện tử vào lớp học. 

Cũng như cô Thắm, từ ngày có sóng điện thoại, công việc của cô Lò Thị Liên, giáo viên điểm trường Háng Á trở nên thuận tiện hơn. “Từ giờ, những thông tin của nhà trường đến nhanh hơn, chúng tôi không cần chờ mỗi tối xuống thị trấn mới có mạng nữa. Khi có Internet tôi lên mạng xã hội, youtube học hỏi, trao đổi kinh nghiệm học tập và giảng dạy với các đồng nghiệp ở khắp mọi nơi. Đặc biệt, công tác điều tra phổ cập, huy động học sinh đến lớp và tiếp cận phụ huynh dễ dàng và nhanh chóng hơn. Khi muốn liên lạc với phụ huynh tôi không phải chạy xe vào trong bản, đến từng nhà mà chỉ cần kết nối, trao đổi qua điện thoại và mạng xã hội”.

Dẫu còn nhiều khó khăn, song bằng sự quyết tâm và yêu nghề các cô giáo Trường Mầm non Hoa Huệ luôn động viên nhau, không để đứt mạch việc học, không để lớp học có ghế trống, gieo từng con chữ ở nơi bản làng xa xôi. Hơn 4 giờ chiều, bản làng dần được bao phủ trong làn sương, những đứa trẻ một bên vai đeo cặp, một bên tay xách cặp lồng, chúng nhanh chóng rảo bước về nhà và chuẩn bị đồ đạc để ngày mai lại tiếp tục hành trình đi tìm con chữ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NINH

 


Tags: Háng Á
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết