A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 11-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan; thăm Tập đoàn Heineken Global ở thành phố Amsterdam và tọa đàm với một số doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan.

Tại cuộc tọa đàm, hai bên đã trao đổi những suy nghĩ, ý kiến thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, bài học hay, ý tưởng, sáng kiến đột phá, những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai nước.

Trả lời ý kiến của các doanh nghiệp Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phải thực hiện đồng thời các biện pháp như giảm phát thải khí nhà kính, khí metal trong nông nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch như mặt trời, gió… Trong quá trình này, phải có hợp tác toàn cầu, đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đồng thời lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể.

Quang cảnh tọa đàm. 

Về chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Là một nước đang phát triển, kinh tế đang chuyển đổi, nhưng phải làm những công việc như các nước phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nên Việt Nam kêu gọi cách tiếp cận công bằng, công lý, với sự hỗ trợ của các nước phát triển. Trong phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị và xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Mặt khác, việc phát triển điện phải tính toán tổng thể cả 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phải phù hợp. Muốn giá điện giảm, thì một yếu tố rất quan trọng là chi phí vốn. Do đó, Thủ tướng đề nghị các đối tác quốc tế cho Việt Nam vay vốn phát triển năng lượng tái tạo với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền công nghiệp năng lượng sạch.

Thủ tướng cũng nêu định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trong đó có công tác quản lý nguồn nước bền vững. Theo ông, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam bảo đảm được cân đối lớn về lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát được lạm phát, đồng thời xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo và khoảng 50 tỷ USD nông sản trong năm nay.

Thủ tướng cho biết với bờ biển dài 3.260km, Việt Nam mong muốn hợp tác với Hà Lan xây dựng các cảng biển, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế. Đồng thời, với lưu lượng hàng hóa lớn qua đường hàng hải quốc tế trên Biển Đông, Việt Nam nhất quán quan điểm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mặt khác, hoạt động khai thác cát và các tài nguyên biển phải bảo đảm phát triển bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ Việt Nam hoan nghênh cơ chế mua bán điện trực tiếp theo tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy cơ chế này, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái…

Về nguồn nhân lực, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài với các chính sách cụ thể; đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam có thể “đặt hàng” với các trường đại học của Việt Nam về đào tạo nhân lực.

Thủ tướng cũng thông tin tới các nhà đầu tư về chính sách chống chuyển giá, tránh đánh thuế hai lần, bảo hộ sở hữu trí tuệ… và đề nghị các nhà đầu tư đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực này.

Nhân dịp này, Thủ tướng thông báo cho các doanh nghiệp Hà Lan về định hướng đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan chủ yếu từ quan hệ đối tác phát triển thời gian qua sang hợp tác cùng có lợi trong thời gian tới.

* Chiều 11-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm Trụ sở chính của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Cung điện Hòa bình, La Haye (Hà Lan) và gặp Tiến sĩ Marcin Czepelak - Tổng Thư ký PCA.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm Tòa Trọng tài và gặp lại Tiến sĩ Czepelak sau chuyến thăm của Tổng Thư ký đến Hà Nội cách đây không lâu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tiến sĩ Marcin Czepelak - Tổng Thư ký PCA.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài, hòa giải quốc tế; nhấn mạnh sự hiện diện của PCA tại Hà Nội thông qua Văn phòng đại diện là bước đi có ý nghĩa, thể hiện thông điệp của Việt Nam về ủng hộ hòa bình, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 11-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm thành phố Amsterdam và gặp Thị trưởng Amsterdam Femke Halsema. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa thành phố Hà Nội và thành phố Amsterdam, đặc biệt, Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam là biểu tượng về tình hữu nghị cao đẹp giữa hai thành phố. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thị trưởng thành phố Amsterdam Femke Halsema 

Thị trưởng Amsterdam Femke Halsema bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới thiết thực và hiệu quả hơn đối với quan hệ hai nước cũng như giữa thành phố Amsterdam và các địa phương Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thị trưởng Amsterdam cùng với Ban lãnh đạo thành phố đẩy mạnh hợp tác với các địa phương Việt Nam, nhất là với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tập trung vào những lĩnh vực đầu tư, bảo vệ môi trường (xử lý nước thải, chất thải rắn), kinh tế tuần hoàn, quy hoạch đô thị, giao lưu nhân dân, du lịch... Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam và Hà Lan bước vào giai đoạn phát triển mới dựa trên tinh thần hợp tác hiệu quả, cùng có lợi, thành phố Amsterdam và các địa phương của Việt Nam cần xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới nhằm đưa quan hệ hai bên phát triển thực chất, hiệu quả hơn.

Chia sẻ với đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những tiềm năng và định hướng hợp tác giữa hai bên, Thị trưởng Femke Halsema cho biết, thành phố Amsterdam và thành phố Hà Nội đã có nhiều dự án hợp tác rất thiết thực trong thời gian qua. Thành phố Amsterdam mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực thế mạnh của Amsterdam như chuyển đổi năng lượng, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, xử lý ngập úng vùng nội đô, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và phát triển bền vững. Thị trưởng Femke Halsema cũng bày tỏ quan tâm những thách thức về biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt và sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Nhân dịp thăm thành phố Amsterdam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan để thúc đẩy hợp tác về đầu tư, kinh doanh với Việt Nam. (TRUNG ĐOÀN)

*Tối 11-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết