MUJI sắp mở cửa hàng thứ 6 ở AEON Mall Hà Đông, đang cân nhắc các vị trí bên ngoài TTTM
5 cửa hàng sau hơn 2,5 năm không phải là điều gì đó quá ấn tượng, nhưng nếu diện tích trung bình mỗi cửa hàng MUJI tại Việt Nam đều khoảng 2.000m2 thì ý nghĩa sẽ khác. Sắp tới, MUJI sẽ mở cửa hàng thứ 6 ở TTTM AEON Mall Hà Đông. Theo CEO MUJI Việt Nam, thì sức mua từ khách hàng của họ vẫn đang rất tốt, đặc biệt là ở mảng văn phòng phẩm và sản phẩm có giá trị cao.
MUJI Việt Nam đang cân nhắc các vị trí bên ngoài TTTM
MUJI vừa khai trương cửa hàng thứ 5 của mình ở TTTM Vincom Thảo Điền. Với diện tích bán lẻ 2.000m2, MUJI Vincom Thảo Điền không chỉ cung cấp đa dạng các sản phẩm gồm thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, nội thất, văn phòng phẩm và phụ kiện; mà còn có những dịch vụ đặc trưng của MUJI như Dịch vụ thêu, Dịch vụ lên lai quần, Open MUJI, MUJI YOURSELF, Tư vấn nội thất và Café.
Trong Dịch vụ thêu có hơn 300 lựa chọn về họa tiết và ký tự để thêu lên các sản phẩm dệt may của MUJI. Đây là dịch vụ cộng thêm của MUJI nhằm giúp khách hàng có thể tạo nên những sản phẩm đậm dấu ấn cá nhân hoặc để gửi gắm một thông điệp ý nghĩa cho người thân thương.
Theo chia sẻ từ ông Tetsuya Nagaiwa - Tổng Giám đốc MUJI Việt Nam , thì: “ So với các thị trường châu Á lân cận như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, các cửa hàng MUJI tại Việt Nam hiện đang có diện tích bán lẻ trung bình lớn nhất, khoảng 2.000m2.
Con số này gần gấp đôi mức trung bình của các cửa hàng toàn cầu, kể cả Nhật Bản. Nhờ vậy, chúng tôi có thể trưng bày đa dạng các sản phẩm từ nhiều nhóm ngành hàng nhất có thể, từ đó, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn và mua sắm thường xuyên hơn.
Sắp tới, cửa hàng thứ 6 của MUJI Việt Nam sẽ ở Hà Nội, trong TTTM AEON Mall Hà Đông. Về việc khai trương bao nhiêu cửa hàng mới trong tương lai, tôi chưa thể tiết lộ con số chính xác, nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn 2 cửa hàng. Trải qua đại dịch và gặp nhiều khó khăn, đến nay tình hình kinh doanh đã ổn định trở lại, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng thị trường một cách suôn sẻ”.
MUJI Việt Nam đang tìm kiếm những mặt bằng bán lẻ từ 2.000m2 trở lên cho các cửa hàng mới nằm trong trung tâm thương mại (TTTM), song điều này gặp ít nhiều khó khăn, do đa phần diện tích các TTTM tại Việt Nam khá hạn chế.
Trong 3 cửa hàng của MUJI tại TP.HCM, chỉ mỗi cửa hàng ở Vincom Thảo Điền là nằm trên 1 mặt sàn, còn tại cửa hàng flagship đầu tiên tại Parkson Lê Thánh Tôn – Quận 1 hoặc Crescent Mall – Quận 7 đều phải nằm trên cả 2 mặt sàn (2 tầng).
Vậy nên, theo thương hiệu đến từ Nhật này, đây có thể đây là thời điểm để họ cân nhắc mở các cửa hàng MUJI nằm riêng lẻ bên ngoài TTTM. Theo đó, MUJI Việt Nam muốn tìm một vài vị trí đắc địa, như đứng bên cạnh các siêu thị hoặc đại siêu thị.
MUJI Việt Nam vẫn đang tích cực ‘địa phương hóa’ cả đầu vào lẫn đầu ra
Cũng theo ông Tetsuya Nagaiwa, sở dĩ MUJI Việt Nam liên tục mở rộng chuỗi là bởi sức mua từ khách hàng của họ hồi phục rất tốt sau đại dịch và không bị ảnh hưởng xấu do sự suy thoái của nền kinh tế.
“ Sau đại dịch, chúng tôi quan sát thấy nhu cầu mua sắm của nhiều người càng tăng cao, như một động thái ‘phục thù’ để giải tỏa tinh thần cho khoảng thời gian không được chi tiêu trước đó. Đặc biệt hơn, chúng tôi ghi nhận sức mua các sản phẩm giá trị cao tại MUJI tăng mạnh.
Doanh thu của các cửa hàng MUJI hiện tại đang ghi nhận tăng trưởng tích cực. Chúng tôi nhận thấy rằng: người tiêu dùng trẻ có nhu cầu mua sắm cao tại MUJI. Tệp khách hàng này rất quan tâm đến ngành hàng văn phòng phẩm, cũng như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Đồng thời, các sản phẩm giá trị cao như đồ nội thất, sản phẩm dệt may trong nhà cũng rất được chào đón.
Kể từ khi vào Việt Nam, sức mua của ngành hàng văn phòng phẩm của MUJI luôn rất tốt. Chúng tôi nhận thấy: ở thị trường Việt Nam, các sản phẩm văn phòng phẩm chủ yếu ở phân khúc cao cấp hoặc phổ thông, xét về cả chất lượng lẫn giá thành sản phẩm.
Ngược lại, MUJI cung cấp các sản phẩm tầm trung với chất lượng tốt, vừa túi tiền; không chỉ cho sinh viên, người trẻ (các đối tượng tiêu dùng chính của ngành hàng này) mà cho tất cả mọi người. Lấy ví dụ, một chiếc bút bi ở MUJI chỉ có giá 19.000 VND. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp nhiều hơn nữa các sản phẩm đáp ứng hai tiêu chí trên cho người tiêu dùng Việt ”, Tổng Giám đốc MUJI Việt Nam nhận định.
Bên cạnh đó, MUJI Việt Nam vẫn đang rất tích cực ‘địa phương hóa’, cả đầu vào lẫn đầu ra.
Các sản phẩm MUJI sản xuất tại Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 30% trong tổng số các sản phẩm kinh doanh tại MUJI Việt Nam. Minh chứng: nếu tính riêng nhóm hàng áo thun nam và nữ, các sản phẩm “Made in Vietnam” chiếm từ 96% đến 97%; 98% đối với nhóm hàng balo, túi đeo vai. Thương hiệu này cũng hy vọng, con số này sẽ còn tăng trong tương lai nhằm có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của địa phương.
“ Bên cạnh chuyển hướng sản xuất nhiều sản phẩm hơn tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm hữu dụng cho người Việt, dựa trên những thói quen và nhu cầu hằng ngày của họ. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm các sản phẩm mới dành riêng cho thị trường Việt Nam ”, ông Tetsuya Nagaiwa bày tỏ.
Tại các cửa hàng MUJI Việt Nam, bộ sưu tập nội thất làm từ gỗ cao su đang là điểm nhấn đặc trưng. Là một loại nguyên liệu bền vững cho sản xuất, gỗ cao su mang đến thêm một lựa chọn tốt về giá thành phẩm cho khách hàng, bởi đa phần các sản phẩm trong bộ sưu tập này được gia công tại Việt Nam.
Cây cao su được trồng dưới sự giám sát cẩn trọng để đảm bảo chất lượng. Cây cao su phát triển rất nhanh và sau khi ngừng cho mủ, người ta tận dụng phần thân gỗ để sản xuất các sản phẩm nội thất như bàn, tủ, giường có hộc nhỏ. Đây là một phần trong chiến lược của MUJI Việt Nam nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất tại địa phương nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng địa phương.
Được thành lập tại Nhật Bản năm 1980, hiện tại MUJI có hơn 1.000 cửa hàng trên toàn thế giới.