A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Doanh nghiệp ưu tiên dưới góc nhìn mới: Sàng lọc kỹ, quản lý chặt, minh bạch cao

Với những điều kiện chặt chẽ hơn về tuân thủ pháp luật, kiểm toán, hệ thống nội bộ và tài chính, chế độ doanh nghiệp ưu tiên không chỉ là ưu đãi mà còn là “tấm lưới lọc” phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

 

Một trong những điểm nhấn của Nghị định là việc sửa đổi, bổ sung các điều kiện áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh: baodansinh.vn

Nghị định 167/2025/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Các quy định mới không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn siết chặt các hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra, trở thành công cụ đắc lực trong cuộc chiến chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và lãng phí, góp phần bảo vệ nguồn thu ngân sách Nhà nước và thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Một trong những điểm nhấn của Nghị định mới là việc sửa đổi, bổ sung các điều kiện áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên, hướng tới sự chặt chẽ và toàn diện hơn, biến chế độ này thành một "lá chắn" vững chắc trong phòng ngừa vi phạm và tham nhũng.

Doanh nghiệp muốn được công nhận và duy trì chế độ ưu tiên phải không vi phạm pháp luật về hải quan và thuế ở mức bị xử lý vi phạm hành vi trốn thuế, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Phạm vi đánh giá điều kiện này là 2 năm (24 tháng) liên tục tính đến ngày doanh nghiệp có văn bản đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên.

Đặc biệt, điều kiện về chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán được quy định chi tiết, yêu cầu doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực kế toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện với ý kiến chấp nhận toàn phần.

Nghị định cũng nhấn mạnh điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ toàn diện, bao gồm việc xây dựng, thực hiện và duy trì hệ thống kiểm soát để giám sát, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Hệ thống này phải đảm bảo lưu trữ hồ sơ, chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu một cách đầy đủ, sẵn sàng cung cấp cho cơ quan hải quan khi có yêu cầu.

Nghị định tiếp tục khẳng định vai trò trọng yếu của kiểm tra sau thông quan như một cơ chế mạnh mẽ để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan và thuế. Thẩm quyền quyết định kiểm tra được phân cấp rõ ràng cho Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực, tùy theo đối tượng và phạm vi kiểm tra.

Việc lựa chọn đối tượng, phạm vi, nội dung và phương pháp kiểm tra sau thông quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro. Điều này đảm bảo nguồn lực kiểm tra được sử dụng hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực và doanh nghiệp có nguy cơ cao về vi phạm, giảm thiểu sự phiền hà cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt.

Trong quá trình kiểm tra, cơ quan hải quan có quyền yêu cầu người khai hải quan, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, dữ liệu, tài liệu. Sau khi kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan sẽ dự thảo kết luận kiểm tra, gửi cho người khai hải quan để giải trình. Quy định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền giải trình, đảm bảo tính khách quan và minh bạch.

Kiểm tra, xác định trị giá hải quan là một khía cạnh cốt lõi trong phòng, chống gian lận thuế và đảm bảo môi trường thương mại công bằng. Nghị định quy định chi tiết các phương pháp xác định trị giá hải quan đối với cả hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu, trị giá hải quan là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm và vận tải quốc tế, được xác định theo trình tự các phương pháp như giá bán ghi trên hợp đồng, giá bán hàng hóa giống hệt/tương tự, hoặc giá do cơ quan hải quan thu thập.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, xác định theo 6 phương pháp khác nhau, bắt đầu từ phương pháp trị giá giao dịch.

Khi có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo hoặc nghi vấn, cơ quan hải quan sẽ thông báo và đề nghị người khai hải quan khai bổ sung hoặc thực hiện tham vấn. Nếu người khai hải quan không hợp tác hoặc không giải trình hợp lý, cơ quan hải quan sẽ thực hiện xác định trị giá và ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thông quan hàng hóa. Việc kiểm soát chặt chẽ trị giá hải quan ngăn chặn hiệu quả hành vi khai thấp giá để trốn thuế, một hình thức phổ biến của tham nhũng kinh tế.

Bà Đào Thu Hương, Phó Trưởng Ban Nghiệp vụ Thuế hải quan, Cục Hải quan, đã chia sẻ “Cơ quan Hải quan sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro trong việc lực chọn các đối tượng doanh nghiệp phải kiểm tra trị giá sau thông quan theo hướng giảm mạnh số lượng doanh nghiệp phải kiểm tra trị giá tập trung vào những đối tượng có rủi ro cao”.

Bên cạnh đó, về lộ trình dài hạn hơn, bà Đào Thu Hương cũng thông tin rằng cơ quan Hải quan sẽ xây dựng hệ thống trị giá thống nhất toàn quốc, tăng cường hậu kiểm, minh bạch quy trình kiểm tra, nâng cao chất lượng cảnh báo tự động và phân tích rủi ro có trọng tâm. Mục tiêu là hạn chế tình trạng tham vấn tràn lan, hiệu quả thấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm với mục đích trốn thuế.

Những sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 167/2025/NĐ-CP thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hải quan hiện đại, hiệu quả và liêm chính. Thông qua các chế định về doanh nghiệp ưu tiên, kiểm tra sau thông quan, xác định trị giá hải quan và các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát, Nghị định tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, gian lận, buôn lậu và lãng phí.

Nghị định số 167/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP nhằm hoàn thiện các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan có hiệu lực từ ngày 15/8/2025, riêng các quy định về doanh nghiệp ưu tiên và hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ (khoản 5, 6 và 19, Điều 1) có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/7/2025.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết