A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Doanh nghiệp kỳ vọng bứt phá sau thỏa thuận thuế Việt - Mỹ

Thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ không chỉ giảm rủi ro thuế quan mà còn mở ra cơ hội mở rộng thị trường, tạo đà để nhiều doanh nghiệp bứt phá xuất khẩu trong nửa cuối năm 2025.

 

Kỳ vọng mới cho thị trường Việt từ thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ. Ảnh: C.V

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thỏa thuận này là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Việt Nam luôn kiên định với chính sách phát triển kinh tế mở, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hiệu quả và thực chất, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh lâu dài, ổn định và bền vững.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết những thông tin ban đầu về thỏa thuận thuế quan mới giữa Việt Nam và Mỹ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu. Theo ông Hải, kết quả tích cực bước đầu này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhất, đặc biệt là các cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump, cùng với nỗ lực bền bỉ, chủ động của Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong suốt quá trình đàm phán.

Ông Hải nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên được Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đạt thỏa thuận về thuế quan, trong khi nhiều nền kinh tế lớn khác vẫn đang trong quá trình đàm phán.

“Điều này không chỉ thể hiện sự tín nhiệm mà Mỹ dành cho Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay”, ông Hải khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Hội đồng quản tri Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, nhận định sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với các tuyên bố công khai, đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan rõ rệt cho quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong cuộc điện đàm này, lãnh đạo hai nước đã hoan nghênh việc đoàn đàm phán hai bên đạt được thống nhất về một tuyên bố chung, hướng tới khuôn khổ hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Bên cạnh đó, ông Huân cũng nhìn nhận việc Việt Nam mở rộng thị trường nhập khẩu với các mặt hàng Mỹ, áp dụng mức thuế ưu đãi, không chỉ thể hiện thiện chí đối tác mà còn có lợi cho người tiêu dùng trong nước.

“Khi hàng hóa Mỹ, như ô tô phân khối lớn hay hàng tiêu dùng, có mức giá cạnh tranh hơn, người dân Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng với chi phí hợp lý”, ông Huân chia sẻ.

Chủ tịch VICOFA Nguyễn Nam Hải chia sẻ, với ngành cà phê, các doanh nghiệp đang chủ động lên phương án thích ứng nhanh với bối cảnh mới. Ngoài việc đàm phán trực tiếp với đối tác Mỹ về giá cả, điều kiện giao dịch, các doanh nghiệp cũng tích cực củng cố quy trình truy xuất nguồn gốc để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA). Ảnh: C.V

Đối với cà phê Robusta, sản phẩm chủ lực của Việt Nam, việc chứng minh nguồn gốc đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của EUDR không phải là thách thức lớn. Nhờ nguồn nguyên liệu chủ yếu sản xuất trong nước và hệ thống truy xuất nguồn gốc ngày càng hoàn thiện, ngành cà phê Việt Nam đã có nền tảng vững chắc đảm bảo tính hợp lệ của sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng đang triển khai thí điểm hệ thống dữ liệu vùng trồng và diện tích rừng tại các tỉnh trọng điểm, minh bạch hóa chuỗi cung ứng từ nông hộ đến đại lý.

Việt Nam đã chủ động xây dựng lộ trình thích ứng với EUDR từ khoảng hai năm nay và kiên trì triển khai các giải pháp dù Liên minh châu Âu (EU) có điều chỉnh thời điểm áp dụng chính thức. Những nỗ lực này đã được EU ghi nhận, giúp Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia “rủi ro thấp” theo phân loại của EUDR. Đây là tín hiệu tích cực, giúp sản phẩm cà phê Robusta Việt Nam khi xuất khẩu sang EU được hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn, giảm bớt gánh nặng hành chính và chi phí.

Chủ tịch VICOFA cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc khai thác cơ hội từ thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt cần chủ động mở rộng thêm các thị trường khác, đặc biệt là các quốc gia trong ASEAN và những thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do, nhằm đa dạng hóa đầu ra và giảm thiểu rủi ro từ biến động chính sách quốc tế.

Theo ông Hải, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành cà phê, ca cao nói riêng đánh giá cao những nỗ lực nhất quán của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thực chất. Đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Chính sách của Việt Nam luôn nhất quán theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, ổn định và lâu dài, giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước vững tin đầu tư, kinh doanh hiệu quả, bền vững và đóng góp thiết thực vào sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Việt Nam và Mỹ đã đạt được những thống nhất ban đầu quan trọng sau ba vòng đàm phán khẩn trương. Thỏa thuận này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng mà còn được kỳ vọng định hình lại cục diện thương mại song phương trong thời gian tới.

Cụ thể, thay vì đối mặt với mức thuế trừng phạt lên tới 46%, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ sẽ chỉ phải chịu thuế thấp hơn đáng kể. Mức thuế mới vẫn đủ dư địa để duy trì khả năng cạnh tranh cho các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ, thủy sản. Các lĩnh vực này, từng chịu áp lực lớn sau tuyên bố áp thuế, nay có cơ hội điều chỉnh chi phí và chiến lược thị trường để giữ vững thị phần tại thị trường Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Không chỉ giảm bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp, thỏa thuận này còn đóng vai trò như “liều an thần” cho tâm lý thị trường. VCBS ghi nhận, nhiều cổ phiếu ngành xuất khẩu, tài chính đã phục hồi rõ rệt kể từ khi thông tin tích cực từ vòng đàm phán cuối cùng được công bố. Tác động lan tỏa từ thỏa thuận cũng hỗ trợ triển vọng cho ngành tài chính.

VCBS cho rằng việc giảm nguy cơ tăng trưởng chậm lại sẽ giúp các ngân hàng duy trì chất lượng tín dụng, giảm áp lực nợ xấu và thúc đẩy tín dụng vào cuối năm. Lĩnh vực chứng khoán, bất động sản vốn nhạy cảm với tâm lý thị trường và dòng vốn cũng được kỳ vọng hưởng lợi tích cực. Về dài hạn, việc Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận điều chỉnh thuế với Mỹ thể hiện sự chủ động và linh hoạt trong chính sách đối ngoại. Trong bối cảnh toàn cầu còn chịu áp lực từ lạm phát, xung đột địa chính trị và suy giảm thương mại, thỏa thuận này giúp Việt Nam giữ vững vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ổn định môi trường vĩ mô.

VCBS đánh giá, thỏa thuận không chỉ giúp giải tỏa áp lực thuế trong ngắn hạn, mà còn là nền tảng để Việt Nam duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP 2025. Dư địa giảm chi phí giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận, đồng thời thu hút thêm dòng vốn ngoại, vốn đang thận trọng trước các bất định toàn cầu. Dù thỏa thuận còn chưa hoàn chỉnh, đây vẫn được coi là “tấm đệm chiến lược”, giúp Việt Nam tránh được cú sốc thuế tức thời và mở ra không gian đàm phán tiếp theo. Trong ngắn hạn, đây là yếu tố then chốt góp phần duy trì sự ổn định của thị trường và củng cố vị thế thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Với tình hình hiện tại, thỏa thuận thuế thương mại đối ứng đang để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán, mở ra dư địa điều chỉnh linh hoạt hơn trong tương lai”, VCBS nhìn nhận.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết