A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đề xuất TP. Hồ Chí Minh thu phí carbon để hỗ trợ lại doanh nghiệp

Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đề xuất TP. Hồ Chí Minh thu phí carbon để lấy kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ứng phó thuế carbon xuyên biên giới châu Âu.

Nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, tháng 10/2023, Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM).

Đề xuất TP. Hồ Chí Minh thu phí carbon để hỗ trợ lại doanh nghiệp
Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đề xuất TP. Hồ Chí Minh có thể triển khai thu phí carbon từ cuối năm 2024, thí điểm trong 2025 và chính thức vào 2026 (Ảnh minh họa)

Theo đó, Liên minh châu Âu sẽ áp dụng thuế carbon xuyên biên giới với những sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu. Thuế này dựa trên lượng khí thải nhà kính trực tiếp và gián tiếp phát thải ra trong quá trình sản xuất.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí. Hàng năm TP. Hồ Chí Minh phát thải khoảng hơn 60 triệu tấn CO2, chiếm 18-23% cả nước.

Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh hiện có 140 doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 106 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất. Số doanh nghiệp phải kiểm kê có thể tăng lên khi danh mục cập nhật bổ sung mà Bộ Tài nguyên - Môi trường trình chính phủ.

Nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh vừa công bố cho thấy, thuế carbon xuyên biên giới được dự báo sẽ gây nhiều tác động cho doanh nghiệp. Cụ thể, trong ngắn hạn các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu sẽ bị ảnh hưởng khi sức cạnh tranh hàng hóa giảm do phần chi phí carbon tăng thêm.

Từ những tác động này, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế đề xuất TP. Hồ Chí Minh thu phí carbon và sử dụng số thu từ nguồn này hỗ trợ lại các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu. Loại phí này áp dụng cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do thuế carbon xuyên biên giới của châu Âu.

Theo phân tích từ nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, việc thu phí này là cách tăng nguồn thu tự chủ, dùng hoàn toàn vào mục đích môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, giải pháp không làm phát sinh thêm gánh nặng thuế phí, trong khi rất có lợi cho doanh nghiệp. Vì nếu không trả phí carbon tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp vẫn phải trả thuế carbon xuyên biên giới tương đương tại châu Âu.

Nhóm nghiên cứu đề cũng đề xuất có thể triển khai thu phí carbon từ cuối năm 2024, thí điểm trong 2025 và chính thức vào 2026. Trong đó, có sử dụng kinh phí đầu tư các giải pháp công nghệ để giảm khí thải, cũng như các sáng kiến về môi trường tại địa phương.

Hiện châu Âu cho phép nếu giá carbon đã được thanh toán ở quốc gia sản xuất thì được giảm trừ lại. Do đó, TP. Hồ Chí Minh có thể triển khai các công cụ định giá carbon và thu phí và doanh nghiệp được hỗ trợ khi đóng phí tại TP. Hồ Chí Minh.

Để giải pháp khả thi, nhóm nghiên cứu lưu ý cần thêm các phân tích thực tế từ doanh nghiệp để có mức giá carbon, thời điểm khai báo, thanh toán phí và cơ chế xác nhận phù hợp với thuế carbon xuyên biên giới của châu Âu. Việc phân bổ lại hiệu quả ngân sách từ phí carbon cũng cần thảo luận chi tiết.

Bên cạnh thu phí carbon, nhóm nghiên cứu nêu hai kịch bản khác để ứng phó với thuế carbon xuyên biên giới của châu Âu như: Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nhưng cần tìm nguồn lực; trở thành nhà cung cấp tín chỉ carbon thông qua việc đầu tư giảm phát thải điện tại các tài sản công, nhưng cũng cần đầu tư vốn và kỹ thuật ban đầu.

Theo lộ trình triển khai thuế carbon xuyên biên giới của châu Âu, trong giai đoạn chuyển tiếp từ 1/10/2023 đến 31/1/2024, các mặt hàng xi măng, phân bón, sắt thép và nhôm vào châu Âu sẽ kê khai lượng khí thải theo quý và chưa phải đóng thuế. Từ năm 2026 trở đi, thuế carbon xuyên biên giới của châu Âu có hiệu lực chính thức và áp dụng mở rộng thêm nhiều ngành khác.
 

Tác giả: Minh Khuê
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết