A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Các doanh nghiệp thu phí làm ăn ra sao trước khi triển khai ETC?

Trong ngắn hạn, nguồn thu từ phí giao thông của các doanh nghiệp như HUT, CTI, CII, HHV... có thể bị ảnh hưởng do các phương tiện chưa hoàn thành dán tem ETC, tuy nhiên điều này được kỳ vọng sẽ sớm cải thiện khi nhu cầu đi lại cao tốc là không thể thiếu trong tương lai.

Từ ngày 1/8/2022, 100% cao tốc trên toàn quốc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC). Các phương tiện không dán thẻ định danh và không sử dụng dịch vụ thu phí ETC sẽ bị từ chối phục vụ, buộc phải đi trên các tuyến đường song hành kém tiện nghi, tốc độ thấp hơn; trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.

Việc thu phí ETC được đánh giá sẽ góp phần giảm chi phí xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp vận hành trạm thu phí tránh thất thoát trong quá trình thu phí so với phương thức cũ.

Nhắc đến các trạm thu phí, không thể bỏ qua "ông trùm BOT" Tasco (mã HUT) khi đơn vị này đang vận hành và quản lý gần 80 trạm thông qua công ty con VETC. Sau giai đoạn khó khăn nửa cuối năm 2020, hoạt động thu phí của Tasco đã hồi phục và trở lại đóng góp lớn vào lợi nhuận từ năm 2021. Riêng quý 2 vừa qua, hoạt động này mang về 193 tỷ doanh thu và gần 100 tỷ đồng lãi gộp, lần lượt tăng 5% và 83% so với cùng kỳ.

Dù vậy, doanh thu quý 2 của Tasco vẫn giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ xuống dưới 220 tỷ đồng do các hoạt động khác kém hiệu quả. Lợi nhuận sau thuế thu về 13,9 tỷ đồng, khả quan hơn so với khoản lỗ 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng nếu không có doanh thu tài chính tăng đột biến từ 3,5 tỷ đồng lên 29,4 tỷ đồng, nhiều khả năng Tasco sẽ lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp thu phí làm ăn ra sao trước khi triển khai ETC? - Ảnh 1.

 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tasco ghi nhận doanh thu đạt 459,8 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 73,6 tỷ đồng. Năm 2022, ông trùm BOT lên kế hoạch doanh thu 11.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, Tasco mới thực hiện được gần 41% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dù không phải mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất, Cường Thuận Idico (mã CTI) cũng đang vận hành và quản lý 4 trạm thu phí với doanh thu hơn trăm tỷ đồng mỗi quý. Hoạt động thu phí của doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt giãn xã hội trong quý 3 năm ngoái tuy nhiên đã nhanh chóng hồi phục các quý sau đó. Tuy nhiên, Cường Thuận Idico vẫn lỗ 2 quý cuối năm 2021 do hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu là thi công, xây dựng gặp nhiều khó khăn bởi cơn bão giá nguyên vật liệu.

Tình hình đã khả quan hơn trong nửa đầu năm nay khi các hoạt động giao thông trở lại trạng thái bình thường và giá nguyên vật liệu hạ nhiệt. Riêng trong quý 2, Cường Thuận Idico đạt 252,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 24,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 27,6 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp thu phí làm ăn ra sao trước khi triển khai ETC? - Ảnh 2.

 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 474,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 53,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 28% so với cùng kỳ. Năm 2022, Cường Thuận IDICO đặt kế hoạch doanh thu 1.018 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80,4 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành được gần 67% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong khi đó, thu phí giao thông cũng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII) dù còn nhiều mảng hoạt động khác như bất động sản, xây dựng, cung cấp nước,... Thậm chí, nếu xét về số tuyệt đối, CII còn là doanh nghiệp có nguồn thu từ phí giao thông vào loại lớn nhất nhì sàn chứng khoán.

Ngoại trừ quý 3/2021 chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, còn lại CII đều thu về khoảng 300-400 tỷ đồng phí giao thông mỗi quý trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, mảng bất động sản gặp khó đã khiến doanh thu quý 2 của CII giảm 5% so với cùng kỳ, xuống 948 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp hạ tầng này báo lãi 127 tỷ đồng, tăng 89% so với quý 2 năm ngoái.

Các doanh nghiệp thu phí làm ăn ra sao trước khi triển khai ETC? - Ảnh 3.
 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.660 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 812 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái. 2 nguồn thu chính là từ thu phí giao thông và kinh doanh bất động sản lần lượt mang về 706 tỷ đồng và 667 tỷ đồng doanh thu, tương ứng tăng 27% và giảm gần 40% so với nửa đầu năm 2021.

Năm 2022, CII lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu hơn 8.010 tỷ đồng và lãi ròng gần 757 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện được 21% mục tiêu doanh thu nhưng đã hoàn thành đến 95% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Với Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV), hoạt động thu phí giao thông lại luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp này. Từ đầu năm 2021 đến nay, trừ giai đoạn khó khăn trong quý 3 năm ngoái, doanh thu từ phí của HHV đều đạt trên dưới 350 tỷ đồng. Biên lãi gộp khá ổn định ở mức cao, đạt gần 60%.

Nhờ đó, HHV thu về đều đặn 80-90 tỷ đồng lãi ròng mỗi quý. Riêng quý 2 vừa qua, doanh nghiệp này lãi ròng 88 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ quý 4/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của HHV đạt 168 tỷ đồng, tăng gần 22% so với nửa đầu năm ngoái.

Các doanh nghiệp thu phí làm ăn ra sao trước khi triển khai ETC? - Ảnh 4.
 

HHV hiện đang vận hành khai thác các dự án hầm và đường cao tốc trong nhiều năm qua như hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn,... Với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và lưu lượng giao thông tăng trở lại, HHV kỳ vọng mức doanh thu từ các trạm thu phí sẽ được cải thiện trong năm nay.

Trong nửa cuối năm 2022, HHV dự kiến sẽ đưa vào vận hành, khai thác, bảo trì cao tốc và các trạm thu phí của dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (ước tính đem lại doanh thu khoảng 50 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty còn được giao quản lý vận hành hầm Mũi Trâu thuộc cao tốc La Sơn – Túy Loan từ tháng 4/2022.

Trong ngắn hạn, nguồn thu từ phí của các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng do các phương tiện chưa hoàn thành dán tem ETC. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, nhu cầu đi lại trên cao tốc về cơ bản là không thể thiếu và việc áp dụng thu phí ETC có thể góp phần giảm thiểu ùn tắc trong các đợt cao điểm qua đó thúc đẩy lưu lượng qua trạm cũng như doanh thu của các đơn vị quản lý.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết