A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Big 4 ngân hàng nào còn dư địa tăng vốn điều lệ?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có kế hoạch tăng vốn điều lệ cho các nhóm NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50%, còn gọi là nhóm Big 4.

Việc tăng vốn bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Việc tăng vốn bao gồm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và tiếp tục xử lý nợ xấu: Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các NHTM cổ phần Nhà nước và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank; Theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Vậy việc tăng vốn này có là cơ hội cho nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước hay không?

Đề án chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định các NHTM Nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường. 

Agribank vẫn thường được xem là "anh cả" trong hệ thống những năm về trước. Tuy nhiên, với việc sớm cổ phần hóa, 3 ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank, Vietcombank đã bứt tốc rất nhanh. Xét trên khía cạnh quy mô, Agribank vẫn đang là người dẫn đầu nhưng về kết quả kinh doanh thì đang phải cạnh tranh gay gắt, thậm chí có phần thua thiệt so với 3 ngân hàng niêm yết trên sàn.

Đánh giá về nhóm Big 3 niêm yết gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, các chuyên gia chứng khoán Yuanta cho rằng xem xét tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, BIDV và Vietcombank vẫn còn dư nhiều room ngoại để gia tăng vốn hơn các các ngân hàng chưa niêm yết. Room ngoại còn lại của Vietcombank (6,4%) và BIDV (13,3%) cho thấy các ngân hàng này vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, cả 2 nhà đầu tư chiến lược của  của BIDV là KEB Hana Bank và Mizuho Bank (Vietcombank) hiện đang sở hữu 15% cổ phần so với hạn mức là 20%, vì vậy Vietcombank và BIDV vẫn còn trống room ngoại để có thể tăng thêm vốn từ các nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược của VietinBank (Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ) hiện đang sở hữu 19,7%, đã gần bằng với hạn mức quy định là 20%.

Việc hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đồng nghĩa vẫn còn cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng. Việc tăng vốn và kì vọng tăng room ngoại sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng.

Mới đây, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, BID đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2022. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng kì vọng đạt 12,5%, lợi nhuận trước thuế kì vọng đạt 18,6 nghìn tỷ VND, tăng 36,1%.  Công ty chứng khoán KBSV đánh giá BID hoàn toàn đủ khả năng để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng này dựa trên các yếu tố: Sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch thúc đẩy nhu cầu vay từ cả khối doanh nghiệp và cá nhân; Dư địa cải thiện CASA còn nhiều với chính sách miễn phí giao dịch sẽ bù đắp cho áp lực tăng lãi suất đầu vào của hệ thống ngân hàng…

Cho đến thời điểm này BID đã tất toán nợ VAMC trong khi nợ tái cơ cấu đã được trích lập dự phòng hết trong năm 2021, qua đó giảm đáng kể áp lực trích lập dự phòng trong năm 2022. Kế hoạch phát hành 8,5% cổ phần cho đối tác chiến lược vẫn đang trong quá trình hoàn thành cũng như xin phê duyệt từ phía ngân hàng nhà nước.  Theo ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV, ngân hàng đang  kì vọng thương vụ sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2022-2023.

VietinBank  đã "hi sinh" 7,0 nghìn tỷ đồng thu nhập lãi và phí để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vào năm 2021. Các khoản tương tự ở Vietcombank và BIDV lần lượt là 7,1 nghìn tỷ đồng và 7,9 nghìn tỷ đồng. Các gói hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19 đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của của các ngân hàng quốc doanh (SOCB) trong 2 năm qua.

Các chuyên gia cho cho rằng các ngân hàng SOCB sẽ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho khách hàng vào năm 2022 nhưng ở mức thấp hơn so với năm 2021, từ đó cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng.  

VietinBank đã trích lập khoảng 90% dự phòng cần thiết cho các khoản nợ tái cơ cấu trong năm 2021,do đó, gánh nặng chi phí dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu sẽ giảm trong năm 2022.  

Hiện cả 3 ngân hàng SOCB đều thực hiện trích lập dự phòng tích cực vào năm 2021 với BIDV và Vietcombank trích lập 100% chi phí dự phòng bổ sung trong 3 năm cho các khoản nợ tái cơ cấu và VietinBank hoàn thành 90% phân bổ này vào năm 2021. Cùng với trích lập dự phòng trong năm 2021 và có đối tác chiến lược, thì nhóm này có nhiều dư địa tăng vốn trong năm 2022…


Tác giả: Theo Dương Thùy/diendandoanhnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết