A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

2 đề xuất lớn cho phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ mới

Để hỗ trợ doanh nghiệp từng bước vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội và tăng tốc phát triển trong dài hạn lãnh đạo VCCI đề xuất tới Chính phủ 2 kiến nghị lớn.

Theo ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại thời điểm Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 có hiệu lực (năm 1991), số doanh nghiệp của cả nước chỉ khoảng 5.000 doanh nghiệp. Trong 10 năm tiếp theo, số doanh nghiệp tăng gần 56 lần, lên 279.360 doanh nghiệp. Đến hết năm 2022, số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế là 895.876 doanh nghiệp, tăng hơn 3 lần.

Tháng 9 năm 2023 bất chấp tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng cả nước có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.

Sản xuất công nghiệp
2 đề xuất lớn cho phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Ảnh minh họa

Cùng với sự tăng lên về số doanh nghiệp, số việc làm được tạo ra, vốn và doanh thu thuần trong các doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cũng tăng lên theo thời gian. Vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế theo đó cũng ngày một lớn khi đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động; đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách Nhà nước…

Tuy nhiên, lãnh đạo VCCI cũng cho hay: Bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay, thách thức với các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Trong đó, tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả. Tiếp đến, tìm kiếm khách hàng là khó khăn lớn thứ hai; tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính chủ chốt; môi trường pháp lý vẫn còn thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp.

Trước những thách thức trên, lãnh đạo VCCI đã đề xuất giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Về ngắn hạn, theo lãnh đạo VCCI, việc quan trọng cần làm ngay là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản. Đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi…; tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền.

Về các giải pháp trung và dài hạn, song song với các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định xây dựng, cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh; Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Về chính sách và môi trường kinh doanh, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của các địa phương, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ưu tiên cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực, như: Đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động; tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường.

Cùng đó, rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi để thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; nghiên cứu tận dụng làn sóng dịch chuyển với cổ phần hóa, đầu tư theo hình thức mua bán và sáp nhập. Có chiến lược cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư mạnh mẽ hơn để giữ vững được dòng vốn đầu tư nước ngoài, thích ứng với sự thay đổi lớn của nhiều chính sách đầu tư toàn cầu mới như thuế tối thiểu toàn cầu.

Xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử (sàn giao dịch điện tử, vận tải công nghệ, chợ đầu mối trực tuyến….); hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, tư vấn/định hướng ứng dụng công nghệ/số hoá quy trình quản trị doanh nghiệp…), tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số…

Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Cần có các chương trình kết nối tiêu thụ và kích thích tiêu dùng trên toàn quốc; sự liên kết giữa các bộ, địa phương, hiệp hội để xây dựng những tuần lễ kết nối; tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp online và tập trung.

 

Tác giả: Hải Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết