A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin

HĐND tỉnh Hậu Giang vừa quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang tại thành phố Vị Thanh, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng mới văn phòng làm việc, hệ thống xử lý nước thải, các hạng mục đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác và mua sắm thiết bị.
 

Theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, Dự án nhằm thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, sinh học trên địa bàn, nhất là giải pháp nền tảng để nâng cao năng lực công nghệ số, góp phần tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số tại chỗ, nhằm hỗ trợ, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Hậu Giang đặt mục phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 có tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Bốn trụ cột để phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới gồm: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng; trong đó công nghệ thông tin, chuyển đổi số được coi là một trong các giải pháp nền tảng, xuyên suốt để hỗ trợ bốn trụ cột phát triển.
5 năm qua, Hậu Giang đã có những nỗ lực vượt bậc trong công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Cụ thể, năm 2018, mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT INDEX) của tỉnh đứng hạng 62/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 xếp hạng 47/63; năm 2020 xếp hạng 32/63. Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của Hậu Giang các năm 2020, 2021 xếp hạng lần lượt là 28/63 và 17/63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, đến nay Hậu Giang chưa có ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh buôn bán các sản phẩm của lĩnh vực này, hoặc sửa chữa, lắp ráp máy tính và các thiết bị điện tử với quy mô chủ yếu là nhỏ. Thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp chủ yếu là trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh Hậu Giang đạt khoảng 6%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ khoảng 5 tỷ đồng, 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh sử dụng nền tảng số, tỷ lệ lao động kinh tế số trong lực lượng lao động của tỉnh chiếm khoảng 2%.
Trong phát triển xã hội số, tỉnh Hậu Giang thành lập 525 Tổ công nghệ số cộng đồng tại ấp, khu vực với 3.740 thành viên tham gia, đạt 100% ấp, khu vực. Tỉnh cũng đã phổ cập kỹ năng số cho khoảng 450.000 tổ công nghệ số cộng đồng và người dân tại các địa phương; hỗ trợ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao
dịch tại ngân hàng để thanh toán không dùng tiền mặt, đạt trên 65%./.
Hồng Dân


Tác giả: Phạm Duy Khương
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết