A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Làn sóng FDI sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/3/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Article thumbnail
Làn sóng FDI sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, ảnh: TV

Trong đó, có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ về số dự án và tăng 57,9% so với cùng kỳ về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,93 tỷ USD, chiếm gần 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo, lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 224,8 triệu USD và gần 190,2 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm nay sẽ tiếp tục xu hướng tích cực trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá cao về các yếu tố chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với việc kiểm soát các yếu tố vĩ mô như ngoại hối hay lãi suất, Chính phủ đã thành công khi duy trì ổn định tỷ giá và giảm lạm phát hiệu quả. Việc giữ ổn định giá trị đã củng cố thêm sự yên tâm của phía nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, đầu tư FDI được xem là một điểm sáng, động lực quan trọng góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Sở dĩ có thể nói như vậy vì năm 2023, trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong 2023 lên tới 12% so với năm 2022 (Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%) nhưng Việt Nam lại là một ngoại lệ khi có mức tăng 32% với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới.

Lũy kế đến hiện tại có đến hơn 49.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt nam. Với nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, nền tảng kinh tế chính trị xã hội ổn định, lao động có trình độ năng lực thì dự kiến vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Nhìn nhận xoay quanh vấn đề đã nêu, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp. Đi kèm với đó, là nâng cao tiềm lực nội sinh để khu vực kinh tế FDI có tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, phương thức quản trị doanh nghiệp…; hoàn thành việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân trong nước…

Cùng với đó là hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng năng lượng sạch đáp ứng đòi hỏi của mục tiêu Net Zero. Đi cùng với đó là đầu tư đồng bộ để hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Và cuối cùng là thúc đẩy, cải cách nền hành chính quốc gia. Tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách về một nền công vụ minh bạch, trách nhiệm công bằng và liêm chính…

Cùng với các vấn đề đã nêu, không ít chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia thu hút FDI dồi dào, tuy nhiên, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu còn tương đối mới, chiến lược tăng trưởng xanh cũng chỉ mới được áp dụng.

Do vậy, trong thời gian tới cần có chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như chính sách về phân loại xanh, ưu đãi xanh, gói đầu tư xanh… xây dựng hệ sinh thái xanh, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho dự án xanh.

Ngoài ra, chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với công nghệ xanh, chuyển giao tri thức xanh, xây dựng cụm ngành xanh trong khu vực như hydrogen xanh, sản xuất chế tạo linh kiện xanh để tận dụng lợi thế sẵn có.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết