Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu
Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung nguồn lực phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội Chu Phú Mỹ, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có thêm 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, đưa tổng số huyện, thị xã của thành phố đạt chuẩn NTM lên 15/18. Cùng với đó, toàn thành phố có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đối với 3 huyện chưa đạt là Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, hiện nay, huyện Ứng Hòa đã có tờ trình về việc thẩm tra, đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022. Huyện Ba Vì còn 3/9 tiêu chí cơ bản đạt; huyện Mỹ Đức vẫn còn 4/9 tiêu chí cơ bản đạt là y tế-văn hóa-giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống.
HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) sử dụng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: THẢO THU |
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, thành phố tập trung khuyến khích, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 131,2ha trồng rau trong nhà lưới; 228,29ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 5,46ha ứng dụng công nghệ không sử dụng đất; 277,4ha ứng dụng công nghệ sản xuất để sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP... Cùng với đó, toàn thành phố có khoảng 211,2ha trồng hoa; 778,9ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao vào quá trình sản xuất.
Ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố đang hướng đến các mô hình chăn nuôi lớn, chăn nuôi an toàn sinh học ứng dụng công nghệ cao, từng bước tiến tới quy hoạch chăn nuôi gắn liền với giết mổ, chế biến nhằm cung cấp thực phẩm an toàn, phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiện tại, toàn thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động...
Nâng cao thu nhập người dân
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nhiều hộ gia đình ở huyện Đan Phượng đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đi vào sản xuất ổn định. Hộ gia đình ông Trần Văn Bảy, xã Thọ Xuân liên kết với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng năng lượng sinh học (BRAC) sản xuất rau công nghệ cao ở bãi sông Hồng, xã Thọ Xuân với diện tích 0,54ha, trong đó có 0,44ha nhà màng, nhà lưới và 0,1ha trồng bên ngoài tự nhiên đều áp dụng tưới nhỏ giọt, trồng các loại rau chất lượng cao, rau ăn lá, củ cho hiệu quả kinh tế cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa.
Cùng với sự hỗ trợ của TP Hà Nội và huyện Đan Phượng, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với các hợp tác xã, hộ gia đình nhằm chủ động tìm hiểu, sản xuất thử nghiệm và nhân rộng trong sản xuất mô hình ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như hộ gia đình ông Phạm Hải Đăng (xã Liên Trung) liên kết với Tập đoàn GFS sản xuất rau công nghệ cao ở bãi sông Hồng, xã Liên Trung với diện tích 29ha, lắp đặt hệ thống tưới phun, tưới văng cho 1,9ha trồng các loại rau cải, cà chua, bí xanh, đinh lăng, cà gai...
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho biết: "Cùng với xây dựng NTM, huyện đặc biệt quan tâm tổ chức lại sản xuất để nâng cao thu nhập người dân. Dự kiến trong năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện sẽ đạt 61,2 triệu đồng/người/năm. Tuy vậy, đối với tiêu chí về giáo dục, hiện huyện còn nhiều khó khăn, cần thành phố quan tâm đầu tư cho huyện xây dựng Trường THPT Ứng Hòa B. Đối với tiêu chí nước sạch, huyện mới đạt 34%, trong đó tiêu chí huyện NTM phải đạt 43%, do vậy, thành phố cần cấp phép cho Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam để triển khai mạng cấp nước cho 8 xã của huyện. Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch, huyện đã chủ động triển khai nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện, trong đó xác định là hành lang xanh, do vậy, mong muốn thành phố ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện...".
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch của thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, đối với 3 huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM, 25 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, 15 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao tăng thêm, cần tập trung rà soát để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa đạt hoặc cơ bản đạt. Các huyện, xã còn lại tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu.
ANH MINH