A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Mức xử phạt đối với các vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung?

Bạn đọc Hoàng Mai Long ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, mức xử phạt đối với các vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 8 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau;

b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;

c) Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

* Bạn đọc Đặng Sỹ Ngọc ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, hỏi: Công tác tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 9 Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể như sau:

1. Cung cấp thông tin về việc làm liên quan đến ngành, nghề đào tạo; thông tin về tuyển dụng, yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; chính sách lao động, việc làm cho người học.

2. Tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cho người học về kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và một số kỹ năng làm việc khác.

3. Tư vấn việc làm cho người học lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe, năng lực, nguyện vọng; kết nối với đơn vị sử dụng lao động giới thiệu việc làm cho người học.

4. Các nội dung tư vấn việc làm khác phù hợp với quy định của pháp luật.


Tags: Xử phạt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết