A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Luật Đất đai (sửa đổi): Chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung từ hơn 12 triệu lượt góp ý

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thông tin, đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 9-6, Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú TrọngThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên họp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì nội dung phiên họp.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: TUẤN HUY

Hơn 12 triệu lượt ý kiến  góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Trình bày báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thông tin, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện từ ngày 3-1-2023 đến ngày 15-3-2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu liên quan trên website lấy ý kiến nhân dân. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Nhiều Bộ, ngành cũng đã ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân để triển khai trong Bộ, ngành mình.

Đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Sau khi kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến phản biện xã hội lần 2 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Việc tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật được Chính phủ thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Chính phủ trân trọng cảm ơn Quốc hội đã chủ động hỗ trợ, phối hợp từ sớm, từ xa trong quá trình tổng kết, xây dựng dự án Luật cũng như quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân. Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh: Đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: TUẤN HUY

Bổ sung nhiều nội dung mới

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.

Trong đó, đáng chú ý, dự thảo luật đã điều chỉnh quy định Điều 17 theo hướng Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời làm rõ địa bàn được áp dụng chính sách.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sửa đổi quy định tại Điều 20 để bảo đảm vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bổ sung quy định tại Điều 23 tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã (chính quyền cơ sở trực tiếp quản lý đất đai, gần dân nhất, nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu của người sử dụng đất) trong nhiệm vụ: Quản lý đất chưa sử dụng; xác nhận quyền của người sử dụng đất; tham gia vào quá trình lập, điều chỉnh, công bố, công khai, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia vào quá trình lập, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham gia là thành viên Hội đồng định giá đất cụ thể; phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; tham gia hòa giải tranh chấp đất đai…

Dự thảo luật cũng đã bổ sung tại Điều 32 quy định người sử dụng đất đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm và tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm phải nộp. Bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích đó....

Dự thảo luật cũng rà soát các điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê quy định tại Điều 46 nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng chính sách để huy động vốn vượt quá giá trị dự án, tạo rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tín dụng và các hậu quả xã hội khác; bảo đảm sự thống nhất đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản

Đặc biệt, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định các nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh tại Chương V mà sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quy hoạch và đề xuất sửa đổi một số điều khoản của Luật Quy hoạch tại Điều 249. Quy định giao thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho Chính phủ để tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ phù hợp với quy hoạch được Quốc hội quyết định.

Đối với kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh được quy định lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh. Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và được lập, thẩm định, phê duyệt đồng thời...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng cho biết, quá trình lấy ý kiến nhân dân có một số vấn đề lớn mà nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học kiến nghị hoặc phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được đề cập đến trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn; trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trước khi đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết