A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Để công tác xã hội trong bệnh viện ngày càng chuyên nghiệp

Những năm qua, hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng của cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), là cầu nối tình nghĩa giữa đội ngũ thầy thuốc với người bệnh và người nhà người bệnh...

Hỗ trợ thiết thực cho người bệnh

 CTXH trong bệnh viện giúp giải quyết nhiều vướng mắc tâm lý-xã hội của người bệnh cả về tinh thần và vật chất, góp phần mang đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn cho người bệnh. Tại các bệnh viện, nhân viên CTXH luôn sẵn sàng kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ viện phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; bảo vệ quyền lợi người bệnh; tư vấn về bảo hiểm y tế; tặng quà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; cung cấp hàng nghìn suất ăn miễn phí mỗi ngày cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh. Nhiều bệnh viện lớn còn cung cấp dịch vụ lưu trú cho thân nhân bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; triển khai các chương trình đồng hành với bệnh nhân ung thư... CTXH trong bệnh viện còn hỗ trợ tuyên truyền, giúp người bệnh có đầy đủ thông tin về dịch vụ KCB để người bệnh, người nhà người bệnh tự tin lựa chọn những phương án tốt nhất.

Với mục tiêu phát triển hoạt động CTXH trong bệnh viện sâu rộng và chuyên nghiệp, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thông tin: “Giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho hệ thống cơ sở KCB nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động CTXH trong bệnh viện, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các cơ sở KCB thực hiện hoạt động CTXH chuyên nghiệp, hiện đại hơn, tiếp thu kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, áp dụng công nghệ, xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý, quy trình chuyên môn của hoạt động CTXH để mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh...”.

 

Nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ người bệnh đến khám. Ảnh: MAI THANH 

Trong những nhiệm vụ được giao, CTXH trong bệnh viện phải quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn đến nhóm đối tượng đặc thù (như trẻ em, phụ nữ bị bạo lực, xâm hại; người khuyết tật, người có vấn đề sức khỏe tâm thần; người bị bệnh ung thư...); xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong thực hiện các quy trình trợ giúp nhóm đối tượng đặc thù được thăm khám, điều trị tại bệnh viện và được theo dõi, hỗ trợ khi trở về gia đình, cộng đồng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng yêu cầu, CTXH phải phát huy vai trò phối hợp, đồng hành với nhân viên y tế trong công tác chuyên môn của bệnh viện như hoạt động tư vấn tâm lý, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nguồn lực để nhân viên y tế điều trị cho người bệnh tốt hơn, hỗ trợ các vấn đề tâm lý-xã hội mà nhân viên y tế gặp phải trong quá trình KCB...

Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội

Theo nhận định của PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), hơn 10 năm qua, CTXH trong bệnh viện tại Việt Nam từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Hiện, 100% cơ sở KCB tuyến Trung ương có phòng/tổ CTXH; tuyến tỉnh đạt 96,8% và tuyến quận/huyện là 89,9%. Bộ Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về CTXH tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này. Tuy nhiên, CTXH của các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính, cung cấp dịch vụ theo Thông tư số 43/2015/TT-BYT ngày 26-11-2015 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện (Thông tư 43). Trong Thông tư 43, nhiều nhiệm vụ của CTXH chung chung, chồng chéo; nguồn nhân lực CTXH của các bệnh viện còn hạn chế về số lượng, chất lượng, trình độ chuyên môn còn thấp so với chuẩn quốc tế. Trong khi đó, yêu cầu cần thiết đối với nhân viên CTXH trong bệnh viện là có kiến thức về y tế, pháp luật và xã hội. Tại hầu hết bệnh viện, nguồn nhân lực làm CTXH chủ yếu là các nhân viên y tế hoặc từ các chuyên ngành khác. “Gần 90% người làm CTXH là ở các vị trí, chức danh khác như bác sĩ, điều dưỡng... có kiến thức chuyên môn về y tế, nhưng lại thiếu kiến thức về CTXH, ví như kỹ năng hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các đối tượng yếu thế. Sự phối hợp, sự tham gia của nhân lực CTXH vào hoạt động CTXH ở một số bệnh viện chưa chặt chẽ. Một số sở y tế chưa ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện triển khai hoạt động CTXH nên việc triển khai cũng gặp những khó khăn nhất định, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến quận/huyện”, PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng cho biết.

Để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện tốt CTXH, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý KCB nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến việc sửa đổi Thông tư 43 để phát huy thế mạnh, khắc phục những bất cập để hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh. Về vấn đề này, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), cho rằng, kiểm tra thực tế CTXH tại nhiều bệnh viện thời gian qua cho thấy một số văn bản pháp quy, chính sách, cơ chế cho hoạt động CTXH trong bệnh viện chưa đầy đủ. Hiện chưa có chương trình đào tạo nhân viên CTXH làm việc trong bệnh viện, cũng chưa có chuẩn năng lực nhân viên CTXH trong cơ sở KCB. Trong số các giải pháp được đưa ra, PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, cần thiết nhất là sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về CTXH. Đào tạo, tập huấn, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học về CTXH trong bệnh viện. Xây dựng chuẩn năng lực và tăng cường đào tạo chuyên ngành CTXH trong cơ sở KCB, tiến tới từng bước triển khai các hoạt động về CTXH lâm sàng trong bệnh viện theo mô hình của các nước phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết