A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Xã luận: Kỷ cương, sáng tạo, đổi mới giáo dục và đào tạo theo chiều sâu

Tiếng trống tưng bừng, rộn rã vang lên ở các trường học trên khắp mọi miền đất nước báo hiệu một năm học mới bắt đầu từ hôm nay (5-9). Trong ngày khai giảng năm học mới, chúng ta càng thêm náo nức vì được hòa vào không khí hân hoan của “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Đối với học sinh, sinh viên, hiếm có niềm vui nào ý nghĩa hơn niềm vui được đến trường, đến lớp, được gặp lại thầy cô, bạn bè thân thiết sau những ngày tháng nghỉ hè. Mái trường là nơi chắp cánh ước mơ, nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tri thức, trao truyền năng lượng sống tích cực và hướng các em đến những chân trời tương lai tươi sáng. Bởi thế, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội và mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ luôn dành sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, coi đây là “quốc sách hàng đầu” để góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

 Học sinh nô nức trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa

Trong năm học vừa qua, ngành giáo dục có nhiều nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Các địa phương và các cơ sở giáo dục phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi của khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước. Toàn ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, trong hoạt động dạy và học, đạt nhiều kết quả khả quan.

Vui mừng với những kết quả đạt được, chúng ta không khỏi trăn trở bởi những bất cập, hạn chế của ngành giáo dục đã dồn tụ, kéo dài từ nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết căn cơ như: Vấn đề thừa-thiếu giáo viên cục bộ; tình trạng thiếu trường lớp và quá tải tại các trường học ở những thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư; vấn nạn bạo lực học đường gây bức xúc trong dư luận; chương trình đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông còn loay hoay, lúng túng tại nhiều nơi; việc dạy các môn tích hợp còn bất hợp lý... Nguyên nhân bao trùm là do nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền và cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; đồng thời chưa có sự bứt phá trong công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT và quản trị nhà trường.

Năm học 2023-2024 đánh dấu 10 năm ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bám sát chủ đề năm học 2023-2024 “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành giáo dục cần triển khai thực hiện hiệu quả 12 nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong năm học mới; đồng thời quán triệt, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đã nêu ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Đặc biệt chú trọng 6 vấn đề nổi lên cần phải tháo gỡ, giải quyết, đó là: Kiên quyết không cho ma túy, tệ nạn xã hội xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách của học sinh, sinh viên; khắc phục bằng được tình trạng bạo lực trong học đường; đổi mới hệ thống sách giáo khoa phải bảo đảm chuẩn mực, có tính ổn định tương đối, phát triển; nâng cao chất lượng hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên; rà soát và nâng cao chất lượng việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường học phổ thông; nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, các trường học ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn trông mong, kỳ vọng vào những chuyển biến rõ nét hơn, sâu sắc hơn trong lĩnh vực GD-ĐT, từ việc đổi mới phương pháp, phong cách quản lý, quản trị từ cấp vĩ mô đến cơ sở; từ việc đổi mới lề lối, tác phong công tác và nâng cao trình độ, năng lực sư phạm của đội ngũ nhà giáo theo kịp với sự phát triển của những thành tựu khoa học giáo dục hiện đại; từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, thi cử, kiểm tra, đánh giá kết quả bảo đảm sát với mục tiêu, yêu cầu “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Phải xác định lấy niềm tin của xã hội và sự hài lòng của bậc phụ huynh vào ngành giáo dục là thước đo của sự phát triển nền giáo dục nước nhà.

Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cơ sở đào tạo trong Quân đội cần quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương “Về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”. Bám sát phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, trong năm học mới, các học viện, nhà trường chú trọng thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giảng dạy, học tập, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, xứng đáng là những địa chỉ giáo dục uy tín, tin cậy trong hệ thống giáo dục quốc dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết