A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu sửa Luật Thủ đô

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và Hà Nội tích cực triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, chủ động chuẩn bị tổng kết thực hiện Nghị quyết 115/2020/QH14 và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô để luật hóa những chính sách đã thí điểm có hiệu quả khi hết thời gian thí điểm.

Nội dung thảo luận việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với Hà Nội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả bước đầu thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù

Theo báo cáo của Chính phủ về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 cho thấy, trong 3 năm triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù, dù có tới 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 7-12-2020 về Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, dự kiến nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố giai đoạn 2021-2025 khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch năm 2021 bố trí 2 nghìn tỷ đồng và năm 2022 bố trí 7,92 nghìn tỷ đồng cân đối cho các dự án đầu tư của thành phố.

Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 7-12-2020, Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021, dự kiến bố trí dự toán chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 từ nguồn cải cách tiền lương còn dư khoảng 8 nghìn tỷ đồng. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết định sử dụng 6,9 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bổ sung nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản, gồm: Ngân sách cấp thành phố khoảng 3,76 nghìn tỷ đồng; ngân sách các quận khoảng 3,14 nghìn tỷ đồng, để thực hiện 319 dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 8-12-2020 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách ngân cấp thành phố Hà Nội năm 2021 và Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách ngân cấp thành phố Hà Nội năm 2022. 

Theo đó đã bố trí hơn 0,23 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu trong cơ sở đã có của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do thành phố Hà Nội quản lý thuộc 249 dự án. Cụ thể, các sở, ban, ngành thành phố đã bố trí hơn 0,8 nghìn tỷ đồng để thực hiện 82 dự án; các quận, huyện, thị xã đã bố trí hơn 0,15 nghìn tỷ đồng để thực hiện 167 dự án.

Các hạng mục công trình thiết yếu xây dựng mới trong các cơ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có quy mô nhỏ, tính chất đơn giản, thực hiện trong thời gian rất ngắn nên việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã góp phần đảm bảo tính kịp thời hơn so với việc sử dụng vốn đầu tư.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN

Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết định sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ một số địa phương khác trong nước năm 2020-2022 khoảng 0,18 nghìn tỷ đồng, để đầu tư trường học, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và phòng, chống dịch bệnh Covid-19; cho phép các quận hỗ trợ các huyện khó khăn năm 2020-2022 khoảng 0,65 nghìn tỷ đồng, thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu quản lý việc thu phí dừng, đỗ ô tô

Cho ý kiến tại phiên họp, các ý kiến của ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và thành phố Hà Nội trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 115 của Quốc hội khóa XIV.

Các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn các cơ chế, chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã thực hiện, khó khăn, vướng mắc và giải pháp để triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao; đánh giá kỹ hơn về tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến nhiều cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 115 chưa thực hiện được hoặc đã thực hiện nhưng hiệu quả chưa tốt.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Hà Nội tập trung nhân lực tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 115; chủ động chuẩn bị công tác tổng kết thực hiện nghị quyết để báo cáo Quốc hội khi hết thời gian thí điểm; nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền về việc luật hóa những cơ chế, chính sách đặc thù đã được thí điểm hiệu quả để sửa đổi Luật Thủ đô.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hà Nội nghiên cứu quản lý tốt hơn việc thu phí dừng đỗ ô tô, vì đây là nguồn lực rất lớn. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, riêng thành phố Sydney của Australia, mỗi năm đã thu khoảng 2 tỷ đôla Mỹ từ việc thu phí dừng đỗ ô tô.

Chủ tịch Quốc hội giải thích thêm, hiện nay, người dân vẫn phải trả tiền phí dừng đỗ ô tô. Do chưa được quản lý khoa học nên dù nguồn thu rất lớn nhưng hầu như chảy hết vào túi cá nhân, doanh nghiệp khai thác. Nếu quản lý tốt, nguồn lực thu được từ phí dừng đỗ ô tô mà ngân sách nhà nước thu được sẽ rất lớn, trong khi người dân chỉ phải trả mức phí bằng hoặc thậm chí thấp hơn mức họ phải chi trả hiện nay.

CHIẾN THẮNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết