A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Trui rèn bản lĩnh thi đấu

Trong thể thao thành tích cao, giải đấu càng lớn thì áp lực càng nhiều, nếu không chuẩn bị tốt về tâm lý, bản lĩnh thi đấu, vận động viên dễ bị ngợp. Đây cũng là lo lắng của người hâm mộ khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tham dự sân chơi lớn nhất-World Cup 2023.

Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ thi đấu thế nào trước đương kim vô địch Mỹ, đương kim á quân Hà Lan và đội bóng hàng đầu châu Âu Bồ Đào Nha? Huỳnh Như và đồng đội có tự tin cầm bóng hay sẽ cam chịu phòng ngự số đông nhưng không khéo sẽ trở thành “rổ đựng bóng”? Bài học từ đội tuyển nữ Thái Lan tại World Cup 2019 là minh chứng. Bóng đá nữ xứ chùa vàng thua Mỹ với tỷ số 0-13, thua Thụy Điển 1-5 và thua Chile 0-2. Thế nhưng đội tuyển nữ Thái Lan có quyền tự hào khi ghi được bàn thắng tại World Cup 2019, trước đó họ còn giành được chiến thắng tại World Cup 2015 khi đánh bại Bờ Biển Ngà 3-2. Ghi bàn chính là mục tiêu thiết thực nhất của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023, bởi theo huấn luyện viên Mai Đức Chung "có được một bàn thắng chính là cột mốc lịch sử của chúng ta".

 Đội tuyển nữ Việt Nam lên đường dự World Cup 2023. Ảnh: VIỆT AN

Câu chuyện áp lực tại sân chơi lớn không chỉ đến ở môn bóng đá. Từng đi vào lịch sử khi trở thành vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam giành huy chương vàng Olympic, xạ thủ Quân đội Hoàng Xuân Vinh chia sẻ: "Khi dự Olympic 2012, tôi thấy bị ngợp. Phòng ăn ở thế vận hội to như sân vận động. Những ngôi sao thể thao đẳng cấp thế giới ngồi ngay cạnh khiến tôi thấy mình bé nhỏ, chơi vơi. Tại Olympic 2012, tôi thi đấu không thành công. Nhưng đến Olympic 2016, tôi đã tự tin hơn nhiều”.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cho rằng, áp lực dành cho đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023 sẽ rất nặng nề, song đam mê và tinh thần là số một. "Chúng ta phải xác định tư tưởng chơi bóng là đam mê, làm thế nào để biến ước mơ thành hiện thực. Chúng ta cần gắn kết trên sân. Đội tuyển nữ Việt Nam cần một thủ lĩnh giỏi về kỹ năng cũng như có “cái đầu lạnh”. Không phải cứ ghi bàn thì mới vui. Khi rơi vào tình thế khó khăn thì người thủ lĩnh phải biết gắn kết các thành viên”, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nhận định.

Không riêng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người từng 7 lần vô địch wushu thế giới Nguyễn Thúy Hiền cũng có cảm giác tương tự. Cựu vận động viên sinh năm 1979 chia sẻ: “Ở bài thi đầu tiên tại giải thế giới tôi đã lỡ huy chương vàng. Đó là bởi tôi mất kiểm soát, hưng phấn quá khi thực hiện bài thi. Lần đầu được nhìn thấy các đối thủ mạnh, tôi thấy họ bật cao, đánh nhanh quá. Lúc lên thảm đấu, trong đầu tôi là hình ảnh của họ. Tôi bắt chước họ và cuối cùng ngã rất nhiều trên thảm, làm hỏng bài thi. Sau thất bại đó, tôi hiểu rằng bản thân phải kiểm soát tốt các động tác, độ khó cũng như tốc độ. Ngoài ra, chế độ ăn, uống cần được chú trọng hàng đầu tại giải đấu lớn".

Nhằm trui rèn bản lĩnh cho các cầu thủ nữ, thời gian qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Mới nhất, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung có chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế bổ ích tại Ba Lan và Đức, gặt hái được thành tích đáng nể khi chỉ chịu thua đội tuyển nữ Đức (xếp số 2 thế giới) với tỷ số 1-2. Ngày 5-7, toàn đội lên đường sang New Zealand sớm hơn nhiều đối thủ nhằm làm quen thời tiết, nhịp độ, chuẩn bị thi đấu giao hữu với đội tuyển New Zealand (ngày 10-7) và đội tuyển Tây Ban Nha (ngày 14-7). Kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu được trui rèn qua những chuyến "học sàng khôn" như thế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết