A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác

Năm 2022, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Ngoại giao được đẩy mạnh cả về hình thức, nội dung và tần suất.

Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh. Ảnh: Thanh Lương

Tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt công tác

Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh cho biết, ngay từ đầu năm 2022, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa các sai phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn hoặc kéo dài, Thanh tra Bộ đã tập trung triển khai một cách toàn diện, đồng bộ trên các mặt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong năm, cùng với tiến trình chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, riêng trong 7 tháng cuối năm, Thanh tra Bộ Ngoại giao đã tiến hành thanh tra hành chính tại 9 đơn vị, tăng 180% so với năm 2021. Nội dung, đối tượng thanh tra tập trung vào những lĩnh vực, đơn vị, vị trí công tác dễ phát sinh sai phạm hoặc cần tăng cường kiểm tra, giám sát như quản lý tài chính, tài sản công, cung cấp dịch vụ công, công tác chỉ đạo, điều hành, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, triển khai hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Ngoại giao đã thực hiện 1 cuộc thanh tra chuyên đề về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Cục Quản trị Tài vụ, Bộ Ngoại giao; đã ban hành kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện kết luận theo yêu cầu.

Cũng trong năm 2022, công tác thanh tra chuyên ngành tại các địa phương được tái khởi động, sau một năm dừng, hoãn để ưu tiên các nhiệm vụ phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

6 tháng cuối năm, đã tổ chức 5 đoàn thanh tra chuyên ngành, trọng tâm thanh tra phục vụ sát yêu cầu quản lý Nhà nước, giúp chỉ ra những bất cập, tồn tại trong triển khai và quản lý hoạt động đối ngoại và hướng dẫn các cơ quan ngoại vụ làm tốt chức năng tham mưu, phối hợp triển khai công tác đối ngoại tại địa phương.

Công tác giải quyết đơn, thư luôn được coi trọng

Công tác giải quyết đơn, thư luôn được lãnh đạo Bộ Ngoại giao coi trọng, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, xử lý dứt điểm, không để phát sinh thành vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, vượt cấp. Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt dư luận, phản ánh của xã hội để kịp thời xử lý, không để trở thành bức xúc tích tụ, kéo dài.

Trong năm 2022, Thanh tra Bộ Ngoại giao đã tiếp 6 công dân đến đưa đơn kiến nghị, phản ánh; đã tiếp nhận và xử lý kịp thời, dứt điểm 76 đơn, thư, không có vụ việc phức tạp, vượt cấp, kéo dài.

Thanh tra Bộ Ngoại giao cũng đã tham mưu cho lãnh đạo bộ triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo của bộ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực công tác ưu tiên, quan trọng này, với tinh thần phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm mạnh mẽ.

Triển khai kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 và danh mục các cuộc kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được phê duyệt, Thanh tra Bộ Ngoại giao đã tập trung kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, chuẩn hóa các quy chế, quy trình và thực tiễn triển khai, áp dụng tại các đơn vị để ngăn ngừa tiêu cực hoặc hành vi nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, ngay từ đầu năm, Thanh tra Bộ Ngoại giao đã xây dựng kế hoạch đào tạo tại chỗ của đơn vị. Xuyên suốt trong năm, đã tăng cường công tác đào tạo trưởng đoàn và cán bộ tham gia đoàn thanh tra thông qua việc hướng dẫn, kết hợp cán bộ mới và cán bộ đã có kinh nghiệm cùng tham gia các đoàn thanh tra để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi về nghiệp vụ, chuyên môn, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra.

Cũng trong năm 2022, Thanh tra Bộ đã đăng ký triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2023 về “Công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Ngoại giao: Thực trạng và giải pháp trong thời gian tới”, qua đó nhằm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu khoa học cho cán bộ, bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ khác.

Tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất nhiệm vụ công tác của năm 2023

Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh cho rằng, riêng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Ngoại giao làm công tác thanh tra luôn có ý thức nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên trau dồi phẩm chất, năng lực đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Thanh tra Chính phủ, công tác thanh tra của Bộ Ngoại giao đã được thực hiện tương đối toàn diện; khâu chuẩn bị thanh tra được tiến hành nghiêm túc, ngày càng bài bản, kỹ lưỡng; tăng cường tỷ lệ kiểm tra thực tế, trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng của các kết luận thanh tra; công tác giải quyết đơn, thư luôn được thực hiện nghiêm túc, không để phát sinh thành vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Tuy nhiên, Chánh Thanh tra Bộ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân phát sinh, bởi trong đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, Thanh tra Bộ đã gặp nhiều khó khăn trong triển khai công tác thanh tra.

Thêm vào đó, đơn vị còn được phân công thêm một số mảng việc mới, một số nhiệm vụ đột xuất, yêu cầu công tác chuyên môn ngày càng cao; trong khi đội ngũ nhân sự còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao, thường xuyên biến động, đã tạo sức ép lớn đối với việc hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023, Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh nêu rõ, cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được ban hành; tập trung rà soát những mặt hạn chế trong công tác thanh tra; từng bước củng cố, hoàn thiện bộ máy; tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thanh tra, phân công công việc theo vị trí việc làm phù hợp.

Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh cho biết, năm 2023, Thanh tra Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức quán triệt cán bộ, công chức của đơn vị thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và của bộ về công tác thanh tra; phối hợp tốt với Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành nhằm trao đổi công tác chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Trong đó, tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động đề xuất các lĩnh vực trọng tâm và giải pháp ưu tiên để phòng ngừa tham nhũng tại Bộ Ngoại giao phù hợp với tình hình mới.

Căn cứ kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023, tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị trong bộ và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đảm bảo triển khai kế hoạch một cách đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, chú trọng nắm bắt dư luận để có cơ chế “cảnh báo sớm”, xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, qua đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ trong toàn ngành Ngoại giao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết