TP Hà Nội điều chỉnh nút giao Ngã Tư Sở trước ngày thông xe đường Vành đai 2 trên cao
Sáng 9-1, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bắt đầu phân luồng giao thông nút giao Ngã Tư Sở - Láng. Đây là hoạt động chuẩn bị cho việc thông xe đường Vành đai 2 trên cao dự kiến diễn ra vào ngày 11-1 tới.
Phương tiện bị cấm rẽ trái trên đường Láng để ra đường Tây Sơn mà phải đi thẳng qua nút giao và rẽ trái tại điểm quay đầu đường Trường Chinh (cách nút giao 760 m), sau đó đi thẳng về đường Láng hoặc rẽ phải về Tây Sơn.
Phương tiện từ hướng Nguyễn Trãi bị cấm đi thẳng, rẽ trái dưới gầm cầu Ngã Tư Sở để ra đường Tây Sơn, đường Láng mà phải rẽ phải về đường Trường Chinh và quay đầu tại điểm mở trên đường này (cách nút giao 760m). Sau đó, phương tiện mới được đi thẳng về đường Láng hoặc rẽ phải để đi Tây Sơn.
Nút giao Ngã Tư Sở nhìn từ trên cao. |
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mở điểm quay đầu xe dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Sở (phía phố Tây Sơn) cho xe máy; rào chắn vị trí đi ra nút phía đường Tây Sơn để ngăn dòng xe đi ngược đường từ Nguyễn Trãi sang Tây Sơn.
Với các hướng khác, phương tiện lưu thông qua nút giao theo hiệu lực của hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, sơn kẻ và hướng dẫn của người điều khiển giao thông.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường, khi thông xe đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy (Vành đai 2 trên cao) có nguy cơ sẽ gây ùn tắc các trục đường lân cận. Để khắc phục, Sở đã nhiều lần họp bàn tìm phương án tối ưu tổ chức giao thông tại hai điểm lên xuống ở Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Sở sau đó nghiên cứu giải pháp phân luồng từ xa, phương tiện đi đường trên cao có thể phải hạn chế tốc độ.
Để giải quyết không chỉ xem xét phương án tổ chức giao thông cho nút Ngã Tư Sở mà phải nghiên cứu trục xung quanh như đường Trường Chinh - Láng - Yên Lãng - Láng Hạ - Lê Văn Lương; Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Khi thông xe vành đai 2 trên cao, phương tiện cả trên cao và dưới thấp cùng đổ xuống Ngã Tư Sở rồi đi ra đường Láng. Trong khi đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều; lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, mật độ giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở và đường Láng Thượng dự kiến sẽ tăng mạnh. |
Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6 km, chạy qua các điểm sau: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên vành đai 2 là cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là cầu Đông Trù.
Dự án vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở bao gồm cả phần mở rộng dưới thấp có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Trong đó, tuyến vành đai 2 trên cao dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.
Việc phân luồng giao thông của TP Hà Nội để chủ động trước các kịch bản sau khi đường Vành đai 2 trên cao thông xe. |
Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay), dài 4km. Đầu năm 2022, Sở Giao thông Vận tải đề xuất thành phố nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (tuyến vành đai 2), trong đó có phương án đường trên cao thuộc đoạn tuyến này để làm cơ sở triển khai dự án giai đoạn 2026-2030.