A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thực hành đức “chính” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong bài “Thế nào là Chính” đăng trên báo Cứu quốc (2/6/1949), Chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là 1 trong 4 đức tính của người Việt Nam trong thời đại mới.

Theo Người, “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn” được thể hiện trong ba mối quan hệ cơ bản. Với mình, Chính là không “tự kiêu, tự đại” bởi tự kiêu, tự đại là thoái bộ. Trong quan hệ với người, Chính là “Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới, không dối trá, lừa lọc, chân thành, khiêm tốn, đoàn kết và luôn thực hành chữ Bác – Ái. Đối với việc, Chính đòi hỏi phải đặt “công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được. “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm”.

Chuyên đề năm 2023: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ  Chí Minh về nêu cao trách ...

Chính là tiêu chí phân biệt giữa người thiện và người ác. “Làm việc chính, là người thiện. Làm việc tà, là người ác”. Chính được xây dựng, vun bồi trên nền tảng của Cần, Kiệm, Liêm. Người mà “Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác”, không Chính được. Ngược lại, khi có Chính thì Cần, Kiệm, Liêm được củng cố và ngày càng gia tăng.

Cần, Kiệm, Liêm, Chính là thước đo “chất người” của mỗi người, vì “thiếu một đức, thì không thành người”. Trên cái nền “làm Người”, cán bộ, đảng viên phải không ngừng trau dồi, gọt giũa bản thân để làm gương sáng cho Nhân dân làm theo. “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Khi Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có trong tay quyền lực mà thiếu lương tâm, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng và Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại".

Không chỉ quan tâm giáo dục mà Người còn là hiện thân của đức tính “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi nhận Cần, Kiệm, Liêm, Chính là cốt lõi đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đạo đức của Bác là “tinh hoa của dân tộc” và “lương tâm của thời đại”. Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư; là điển hình của sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa tư tưởng và lối sống, suốt đời vì nước vì dân.

Chữ “chính” của Bác là sự tiếp thu, phát triển chữ “chính” từ đạo Nho của Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử nêu học thuyết của mình cách đây khoảng 2000 năm đòi hỏi xã hội phong kiến phải thực hiện cho được “chính danh”. Danh là tên gọi của con người hoặc sự vật. Danh có thể hiểu là do con người đặt tên cho sự vật và hiện tượng khi đã hiểu biết về bản chất của nó.

Chính danh nghĩa là tên gọi của sự vật thế nào thì bản chất của sự vật như thế ấy. Đức Khổng Tử cho rằng danh có chính thì ngôn mới thuận. Ngôn là biểu hiện không chỉ của Danh mà còn là biểu hiện của trí tuệ và các phẩm chất bảo đảm của chính danh. Học thuyết chính danh của Khổng Tử vô cùng sâu sắc và gần gũi với chúng ta hiện nay. Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên đạo làm gương, nêu gương: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” cũng có cội nguồn sâu xa từ thuyết chính danh.

Trong bối cảnh đất nước và quốc tế hiện nay, huấn thị trên của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Dưới tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên kể cả các cán bộ cấp cao có những hành động, việc làm “bất chính”, “bất liêm”. Đơn cử trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên.

Thiệt hại kinh tế mà những đại án nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đã phải mất rất nhiều năm để khắc phục. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng... Nhưng sự mất mát cán bộ, giảm sút uy tín của tổ chức sẽ là nỗi đau còn mất nhiều thời gian hơn thế mới có thể xóa được.

Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị đã quy định rất rõ. Bài viết mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa lưu ý việc lựa chọn nhân sự Đại hội XIII của Đảng: “Nói tóm lại là phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc”. Nhưng dù đề cập ở góc độ nào, ta vẫn thấy lấp lánh điều cần nhất ở người cán bộ trong mọi thời: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhấn mạnh: Bác Hồ dặn chúng ta phải “dĩ công vi thượng”, tức là luôn đặt lợi ích chung lên trên hết, hết lòng vì nước, vì dân. Nói về điều bình thường vĩ đại của Hồ Chí Minh, nhà thơ Indonesia R.Dagio đã viết trong bài thơ “Vẻ đẹp bên trong của viên ngọc”: Người không mang danh dự ghế suy tôn/ Ngồi vào đấy với Người không có nghĩa/ Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/ Thì có nghĩa gì chiếc ghế phủ nhung êm.

Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành thường xuyên, liên tục trong những năm qua cũng nhằm mục đích cao nhất làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng là “mực thước để người dân bắt chước”. Thế nhưng những kết quả mới chỉ là bước đầu. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống từ “một bộ phận” đến “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, vẫn chưa được khắc phục. Nhiều người trong số họ nói rất trơn tru về văn hóa và đạo đức, về đạo đức cách mạng nhưng hễ đụng việc khó là né tránh, đùn đẩy, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ.

Sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nghiêm trọng ở một số nơi chỉ được làm rõ khi người đứng đầu mắc sai phạm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải vào vòng lao lý. Hóa ra không ít người đã nhân danh tập thể, mang tập thể ra che chắn, làm cái “hầm trú ẩn” cho trách nhiệm, giấu giếm khuyết điểm của mình. Kết quả đấu tranh tự phê bình, phê bình; tính phát hiện, tính chiến đấu còn rất hạn chế. Điều này Bác Hồ từng cảnh báo từ rất sớm: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Cho đến trước lúc đi xa, trong Di chúc, một tác phẩm vô giá trong di sản tinh thần Hồ Chí Minh, Người vẫn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Để góp phần vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hiện nay, hơn ai hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức và thực hành đức “Chính”. Không chỉ Chính tâm, Chính danh mà hành vi cũng phải Chính trực. Thấy đúng phải bênh vực, bảo vệ, thấy sai phải phê bình, đấu tranh. Phải phát huy tinh thần “6 dám” trong mọi hoạt động, trên hết là chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo tư tưởng và tấm gương “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần, Kiệm, Liêm, Chính là tương lai, sinh mệnh của đất nước nên mọi công dân phải ra sức thực hành. Bởi một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ./.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Băng Trâm - Cục Quản lý thị trường Hậu Giang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết