Thái Nguyên phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của miền Bắc
Cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của miền Bắc và thành tỉnh phát triển có mức thu nhập cao trước năm 2045.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thái Nguyên tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, huy động, sử dụng các nguồn lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống toàn diện nhân dân, đảm bảo quốc phòng an ninh, hoàn thành ở mức cao nhất trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng Thái Nguyên thực sự trở thành trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao, cực tăng trưởng của vùng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ tỉnh triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng, mang tính liên kết vùng trên địa bàn như: Tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang, đầu tư hoàn thiện đường vàng đai V qua tỉnh Thái Nguyên, mở rộng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên từ 4 làn xe lên 6 làn xe, hoàn chỉnh tuyến đường Quốc lộ 1B Thái Nguyên - Lạng Sơn, đường Quốc lộ 3C nối Thái Nguyên - Bắc Kạn... Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương sớm hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng cụm liên kết sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường...
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Nổi bật là việc Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh, việc hợp tác, liên kết với các địa phương trong phát triển vùng được tăng cường. Ngành thương mại, dịch vụ duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tốt, chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức thấp. Ngành nông nghiệp tăng trưởng ở mức khá, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần ổn định đời sống của người dân. Một số chỉ tiêu chủ yếu như: GRDP bình quân đầu người, giá trị xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước đứng đầu trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng được nâng cấp đồng bộ, một số dự án đầu tư lớn được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên, công trình xây dựng nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc, các hạng mục đầu tư Dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc, nâng cấp cải tạo đường ĐT.266, ĐT.261, đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội đoạn tuyến từ Quốc lộ 37 đến cầu vượt sông Cầu, huyện Phú Bình...
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, các chính sách được triển khai có hiệu quả, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hiện chỉ còn khoảng 3%, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm./.
Hoàng Thảo Nguyên