A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thái Bình: Khai mạc Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII

Ngày 11/12, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ chín.

Đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình thực hiện nghi lễ chào cờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: HL

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành thông tin về các nội dung HĐND tỉnh sẽ thảo luận, thống nhất và quyết định tại kỳ họp.

Ông Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; là năm cuối cùng, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu tài liệu, làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; từ đó, đề xuất các giải pháp sát thực, khả thi để khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế…

Đồng thời, phát huy tốt quyền chất vấn của mình, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, có tính thời sự được cử tri, dư luận quan tâm và đóng góp ý kiến xác đáng vào các dự thảo nghị quyết để HĐND tỉnh xem xét thông qua.

Sau phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025.

Năm 2024, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh ước đạt 71.326 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 210.455 tỷ đồng, tăng 6,92% so với năm 2023.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: HL

Trong năm có thêm 13 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số toàn tỉnh có 40 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, công nhận 18 xã hình thành sau sắp xếp đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

 Đến ngày 20/11, thu hút vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình đạt 38.088,1 tỷ đồng; trong đó, có 154 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 26.444 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 958 triệu USD (ước cả năm thu hút vốn FDI trên 1 tỷ USD).

Đến nay, toàn tỉnh có 7.634 doanh nghiệp và 3.143 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 120.000 tỷ đồng.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục đạt kết quả tốt; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tốt…

Cùng với đó, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan Nhà nước được tăng cường; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được duy trì nền nếp, hiệu quả.

Năm 2025, tỉnh Thái Bình tiếp tục tinh thần với chủ đề: “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 9% trở lên so với năm 2024; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GRDP đạt 80,6%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8 - 10% so với năm 2024; số xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2025 là 15 xã; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 12.610 tỷ đồng...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: HL

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định, có được kết quả nổi bật đó là do cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ cùng hệ thống chính trị trong tỉnh đã đoàn kết đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, kiên trì triển khai đồng bộ, linh hoạt các biện pháp, giải pháp trên tất cả các mặt, lĩnh vực… Trong thành quả chung đó có sự đóng góp rất quan trọng, hiệu quả của HĐND tỉnh và của từng đại biểu HĐND tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận dân chủ, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp khả thi, hiệu quả để tổ chức thực hiện trong năm 2025 và những năm tiếp theo, nhằm hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng đề nghị, các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai nghiêm túc thực hiện các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của Trung ương và của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định các động lực quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đặc biệt là phải tập trung triển khai ngay việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương…

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thái Bình đã nghe và thảo luận các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh; nghe các báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ chín HĐND tỉnh khóa XVII; kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; báo cáo kết quả thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế HĐND tỉnh.

Phiên họp chiều nay, HĐND tỉnh sẽ tổ chức thực hiện nội dung về công tác cán bộ: Miễn nhiệm và bầu bổ sung chức vụ Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiếp tục thảo luận tại tổ.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết