A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Pháp

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp, thành viên quan trọng trong EU, đối tác chiến lược của Việt Nam với nhiều gắn kết về lịch sử, văn hóa, con người.

Đề nghị EC sớm gỡ bỏ cảnh cáo thẻ vàng IUU

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 5-6/6 của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn theo lời mời của Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna, tại cuộc hội đàm sáng 5/6, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp, thành viên quan trọng trong EU, đối tác chiến lược của Việt Nam với nhiều gắn kết về lịch sử, văn hóa, con người.

Bộ trưởng Colonna bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đánh giá cao chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn; đây là hoạt động trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên giữa 2 nước kể từ 10 năm qua, diễn ra đúng dịp 2 nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ 2 nước thời gian qua, mong muốn 2 bên phối hợp chặt chẽ đưa hợp tác 2 nước lên tầm cao mới.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Pháp
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna tại thủ đô Paris ngày 5/6

Hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc các cấp trong thời gian tới, nhất là giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước; duy trì các cơ chế hợp tác trong đó nối lại cơ chế Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa 2 Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam - Pháp; tiến hành tham vấn chính trị cấp Vụ trưởng giữa Bộ Ngoại giao 2 nước.

Hợp tác thương mại - đầu tư tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong quan hệ 2 nước. Hai bên vui mừng nhận thấy trao đổi thương mại song phương đang được phục hồi sau đại dịch Covid-19, đạt 5,3 tỷ USD năm 2022, tăng 10% so với năm 2021, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng; đồng thời nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Chính phủ Pháp ủng hộ, thúc đẩy Quốc hội Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), thúc đẩy Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh cáo thẻ vàng (IUU) của EC đối với hàng thủy hải sản Việt Nam.

Bộ trưởng Pháp bày tỏ coi trọng các dự án hợp tác kinh tế giữa 2 nước, đặc biệt là dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, biểu tượng hợp tác kinh tế Việt Nam - Pháp. Hai bên cũng trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo…

Hai Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển toàn diện giữa 2 nước trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; nhất trí phối hợp, triển khai các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp trong năm 2023. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Pháp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Pháp hội nhập thành công, góp phần phát huy vai trò cầu nối quan hệ 2 nước.

Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc và thúc đẩy khuôn khổ đối tác chiến lược ASEAN - EU.

Về vấn đề Biển Đông, 2 bên chia sẻ lập trường về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trân trọng mời Bộ trưởng Catherine Colonna sang thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Colonna đã vui vẻ nhận lời.

UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, ngày 5/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Tại đây, Bộ trưởng đã gặp và làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định vai trò quan trọng của UNESCO trong việc góp phần duy trì, củng cố hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong gần 80 năm qua; bày tỏ vui mừng khi quan hệ Việt Nam - UNESCO ngày càng phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả, trong đó có đóng góp quan trọng, thiết thực của Tổng Giám đốc Audrey Azoulay.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực, có trách nhiệm và thực hiện các cam kết quốc tế của mình để đóng góp thực chất, hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của UNESCO. Với tinh thần đó, Việt Nam sẽ ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 để cùng các quốc gia khác hoàn thiện các chính sách và thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; mong muốn nhận được sự ủng hộ từ phía UNESCO.

Bộ trưởng đồng thời đề nghị Bà Tổng Giám đốc và UNESCO tiếp tục tích cực ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập, phát triển thông qua các hoạt động cụ thể như: dành thêm nguồn lực triển khai MOU hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025; giúp tư vấn chính sách, chia sẻ các kinh nghiệm và bài học thực tiễn cho Việt Nam nhằm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, quan tâm xử lý các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục; xem xét hỗ trợ tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, hợp tác về khoa học cơ bản, quản lý bền vững nguồn nước, nghiên cứu khoa học biển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản…

Nhân cuộc gặp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng mong muốn Tổng Giám đốc và Ban Thư ký UNESCO quan tâm, hỗ trợ trong việc xây dựng và tư vấn, ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Con Moong, các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ... cũng như hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Tổng Giám đốc UNESCO nhắc lại kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2022; khẳng định Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, một trong những nước đi đầu trong việc triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của UNESCO; đánh giá cao các đóng góp quan trọng, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của Tổ chức với tư cách thành viên Hội đồng chấp hành 2021-2025, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời, nhấn mạnh Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa.

Bà Audrey Azoulay nhất trí với các ý tưởng của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về phương hướng hợp tác thời gian tới, trong đó khẳng định UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin - truyền thông cũng như hỗ trợ, ủng hộ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam; cam kết hỗ trợ Việt nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Bộ trưởng đề nghị cũng như hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mời lãnh đạo UNESCO tham dự "Hội nghị quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" tổ chức tại Ninh Bình vào tháng 7/2023. Tổng Giám đốc Azoulay bày tỏ cảm ơn và cho biết sẽ cử Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách về đối ngoại thu xếp tham dự.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết