A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Sơn La: Phát triển chuỗi liên kết cho đồng bào dân tộc

Việc phát triển chuỗi liên kết giá trị đã giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La có đầu ra nông sản ổn định, thu nhập bền vững.

Nhiều chương trình hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, toàn tỉnh có 1.184.437 người, trong đó dân tộc Thái chiếm số đông (chiếm 53,76% tổng số dân toàn tỉnh); dân tộc Mông 15,59%; dân tộc Xinh Mun 2,16%. Các dân tộc khác chiếm tỷ lệ thấp như: dân tộc Dao 1,75%; dân tộc Khơ Mú 1,23%; dân tộc Kháng 0,83%; dân tộc La Ha 0,87%...

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La 6 tháng năm 2022 cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13.695,60 tỷ đồng, tăng 6,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.155,80 tỷ đồng, tăng 2,93% đóng góp 0,70 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 3.620,78 tỷ đồng, tăng 8,0%, đóng góp 2,08 điểm phần trăm.

Sơn La: Phát triển chuỗi liên kết cho đồng bào dân tộc

Trồng sa nhân mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mường La, tỉnh Sơn La. Nguồn Báo Nhân dân

Theo thống kê, toàn tỉnh Sơn La hiện có 740 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, có 184 hợp tác xã nông nghiệp có tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; 86 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết; 49 hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; gần 200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Có nhiều sản phẩm nông sản đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP. Một số sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, nhiều sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị trên cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp như: hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân và thành viên hợp tác xã nhằm huy động nguồn vốn để xây dựng nhà kho, xưởng sơ chế, bảo quản nông sản, từng bước giải quyết dứt điểm bài toán “được mùa, mất giá”.

Đồng thời, triển khai thực hiện các đề án: Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh; thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021- 2025; phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả phục vụ liên kết giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh...

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực của hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã thực hiện thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã để phát huy sự năng động, sáng tạo trong tổ chức, quản lý đơn vị, tạo động lực cho các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Tăng cường liên kết 6 nhà

Trong những năm gần đây, sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở Sơn La đã trở thành xu hướng tất yếu và bước đầu đã có hiệu quả hơn so với hình thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.

Những kết quả tích cực của việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất và chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tạo ra sự chuyên môn hóa mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, liên kết theo chuỗi đối với sản phẩm nông sản còn gặp nhiều khó khăn như: Hạn chế về số lượng và chất lượng; quy mô liên kết chưa lớn; mô hình liên kết kinh tế theo chuỗi giá trị nông sản; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và sơ chế, chế biến còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường... Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đối với sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho hay, muốn tạo bứt phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp dứt khoát phải có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể quan trọng trong sản xuất hàng hoá lớn và giải quyết hiệu quả vấn đề thị trường đầu vào, đầu ra. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc kết nối giữa người nông dân với các cơ sở chế biến.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư tỉnh ủy Sơn La - cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện.

Trong đó, xác định Sơn La là trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết hợp phát triển du lịch; xây dựng thành phố Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Theo ông Nguyễn Hữu Đông, để thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Bộ Chính trị, tỉnh Sơn La đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội.

Trong đó, tập trung quy hoạch vùng sản xuất; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung; tăng cường liên kết 6 nhà với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp, nâng cao vai trò của hợp tác xã; thu hút doanh nghiệp "đầu tàu" có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường đầu tư tại tỉnh; đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới; hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông sản…

Theo các chuyên gia, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu, phấn đấu nâng tỷ lệ hợp tác xã đạt tiêu chuẩn khá, giỏi từ 35% trở lên, giảm số hợp tác xã yếu kém xuống dưới 10%, số hợp tác xã làm ăn ổn định và có lãi từ 85-90%; thu nhập của cán bộ quản lý, thành viên tăng 15%/năm; doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 2,6 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của một thành viên hợp tác xã 60 triệu đồng/năm; lợi nhuận hàng năm tăng từ 10-15% trở lên.

Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ pháp lý, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ quản lý; tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị... được kỳ vọng sẽ giúp các hợp hợp tác xã nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua vướng mắc, khó khăn, lớn mạnh hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương.

 

Tác giả: Nguyễn Hạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết